(Báo Quảng Ngãi)- Vụ thu đông kéo dài từ tháng 8 đến đầu tháng 12 (Âm lịch). Đây là thời điểm tiết trời không thuận lợi, nhưng bù lại giá rau xanh cao. Chính vì thế, ở “vùng đất vàng” người trồng rau vui bao nhiêu thì ở những vựa rau chân ruộng thấp người trồng rau lo bấy nhiêu.
TIN LIÊN QUAN
Lên núi được mùa
Khi thời tiết se lạnh, mưa nhiều là báo hiệu mùa đông đã về. Ở những triền núi các xã Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện ( TP. Quảng Ngãi), người trồng rau đã đội mưa cày cuốc, vun xới vụ rau thu đông… Trên núi Đầu Voi, thuộc thôn An Đạo, xã Tịnh Long giờ là một màu xanh mơn mởn của rau trải dài trên 20ha.
Người dân ở đội 10, thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) đang chăm sóc rau vụ thu đông trên núi Đầu Voi. |
Ông Phạm Minh – trưởng thôn An Đạo vừa xới đất xuống giống vụ cải ngọt, vừa tranh thủ trò chuyện: Thôn có 420 hộ dân, thì hơn 300 hộ canh tác trên núi. Năm nay là năm nhuận nên mùa mưa đến chậm hơn mọi năm, vì vậy người dân chỉ vừa xuống giống được vài tuần. Núi Đầu Voi chủ yếu là đất đá vôi, đá sỏi, thấm nước nhanh nên đến mùa mưa rất phù hợp cho việc trồng các loại rau. Người dân trong thôn, ai cũng trông chờ, dồn sức vào vụ mùa rau thu đông này. Người trồng rau gọi đây là “vùng đất vàng”. Ăn theo nước trời, mưa càng nhiều thì đất càng tơi xốp, rau xanh càng lên tươi tốt. Sau mỗi vụ, trung bình mỗi hộ có 3 sào đất thu về hơn 30 triệu đồng tiền lãi.
Ông Đặng Tấn Thời (55 tuổi), ở đội 10, thôn An Đạo, xã Tịnh Long là một người trồng rau lâu năm cho biết: “Tôi đang gieo trồng khổ qua, dưa leo và hành lá, khoảng tầm một tháng nữa là thu hoạch. Nếu thời điểm này, bán sỉ cho thương lái tại ruộng với khổ qua là 3 nghìn/kg, dưa leo 2 nghìn/kg, hành 5 nghìn/kg, nhưng khoảng một tháng nữa sẽ tăng mạnh, gấp 2 đến 3 lần. Năm ngoái, vụ rau thu đông, trừ hết chi phí, gia đình tôi thu về gần 50 triệu đồng”.
Còn người dân ở xã Tịnh Thiện đang gieo trồng vụ rau thu đông trên 2 vùng đất đồi là núi Đồn Danh và Ông Ngoạn với hơn 15ha. Trồng rau mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây, lợi nhuận gấp 6 lần cây lúa, bắp… Ông Trương Ngọc Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Thiện, cho biết: Hội luôn động viên, khuyến khích bà con canh tác rau màu trên vùng đất núi vào mùa mưa. Đến vụ thu đông, rau rất khan hiếm, vì rất ít địa phương có điều kiện sản xuất. Chính vì thế giá cả tăng cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Rau ở đây không chỉ cung cấp cho địa bàn tỉnh mà vùng rau của xã còn được các thương lái ở Tam Kỳ, Đà Nẵng thu mua với số lượng lớn.
Đánh bạc với trời
Trái ngược với khung cảnh vui tươi, phấn khởi của người trồng rau trên vùng đồi ở các xã bờ bắc sông Trà, người dân những vựa rau lớn Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) thì bắt đầu mùa vụ rau thu đông trong cảnh nơm nớp lo sợ, vì họ “đánh bạc với trời”, chỉ cần một trận mưa lớn là tiền của trôi sông. Xã Nghĩa Dũng là địa phương có diện tích trồng rau lớn, tương đương với diện tích lúa (diện tích rau 95ha, lúa 105ha).
Người dân nơi đây trồng rau quanh năm, mùa chính là đông xuân, hè thu còn thu đông chỉ là vụ ăn theo, nhưng không ai bỏ. Bà Cao Thị Hải (65 tuổi), thôn 5, xã Nghĩa Dũng xót xa khi nhìn 3 sào xà lách tả tơi sau trận mưa trung tuần tháng 10, nói: “Mấy ngày nay mưa suốt, mấy sào xà lách bị úng lá, dập nát. Tiền giống, phân bón, công lao động bỏ vô 3 sào xà lách hơn 6 triệu đồng nhưng chưa thu được đồng nào mà giờ thế này đây!”. Còn bà Cao Thị Líu (56 tuổi) thôn 5, xã Nghĩa Dũng, thì chia sẻ: Mưa lũ thường xảy ra giữa khoảng tháng 9 đến tháng 11 (Âm lịch). Dù biết thế nhưng giờ đây ngồi nhà bó tay nhìn đất “bỏ hoang” nên cũng tiếc, đành liều xuống giống cải ngọt, cải xanh và chỉ mong ông trời thương để có thêm chút ít tiền lo Tết cho gia đình.
Vùng đất dọc sông Trà hằng năm luôn được bồi đắp một lượng phù sa khá lớn nên dễ trồng trọt, trồng rau gì cũng xanh tươi, phát triển tốt, nên trở thành vựa rau lớn của tỉnh. Nhiều gia đình trồng rau đã có cuộc sống khấm khá và họ không muốn cho đất ở đây nghỉ ngơi. Thế nên, dù biết thời tiết vụ thu đông rất khó gieo trồng vì mưa nhiều, sâu bệnh, năng suất không cao, nhưng với hy vọng giá cao sẽ bù sản lượng nên bà con vẫn cứ làm để kiếm thêm thu nhập.
Bài, ảnh: HIỀN THU