Bao giờ rau có VietGAP

11:03, 18/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam (gọi tắt là VietGAP) được xem là giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích bền vững giữa kinh tế (người sản xuất, người tiêu dùng) và môi trường. Thế nhưng, tại Quảng Ngãi, vấn đề này dường như đang bị bỏ ngỏ…

TIN LIÊN QUAN

“Làm rau VietGAP đã tốn lại rẻ”

Thoạt nghe, khẳng định trên của ông Đặng Đức, người trồng rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) rất vô lý. Lý do, Quảng Ngãi chưa có sản phẩm rau nào đạt tiêu chuẩn VietGAP nên lấy đâu ra cái chi phí sản xuất lẫn giá bán để ông so sánh. Hơn nữa, đã là rau VietGAP, tức hàng vừa sạch vừa đẹp thì nó phải được người tiêu dùng săn đón, lựa chọn nên giá bán phải cao, sao lại rẻ? Thế nhưng, khi nghe lão nông gắn bó cả đời mình với nghiệp trồng rau chỉ vào đống cải ngọt héo quắt ở sân rồi bảo: “Đó, cải sạch, không thuốc bảo vệ thực vật, không hóa chất kích thích sinh trưởng có giá 1.000 đồng/kg mà cũng ế!”; thì khẳng định trên của nhiều người trồng rau sạch như ông Đức là có lý.

 

Trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP hứa hẹn sẽ giúp nông dân thoát cảnh được mùa rớt giá.                 Ảnh: MỸ HOA
Trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP hứa hẹn sẽ giúp nông dân thoát cảnh được mùa rớt giá. Ảnh: MỸ HOA


Cùng tâm trạng với ông Đức, chị Tâm ở cùng thôn 6 cũng chạnh lòng khi nghe đề cập đến chuyện rau sạch VietGAP. Chị Tâm bảo rằng, vài năm nay, người trồng rau đã hạn chế rất nhiều việc dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vì muốn giữ sức khỏe cho mình. Chẳng thế mà 2 - 3 năm nay, “người trồng rau Nghĩa Dũng không ai là không biết cách làm rau sạch. Vấn đề là họ có muốn làm hay không mà thôi”, chị Tâm quả quyết.

Lý giải điều này, chị Tâm bảo rằng, so với rau thường, quá trình sản xuất rau sạch tốn kém nhiều công lẫn chi phí hơn. Bởi giá các loại phân, thuốc vi sinh và các chế phẩm sinh học được phép bón cho rau cao hơn nhiều so với thuốc BVTV hay hóa chất kích thích sinh trưởng. Bên cạnh đó, người dân phải tỉ mẩn ghi chép, theo dõi quá trình phát triển, tình trạng sâu bệnh cũng như cách phòng trừ cho rau… Vất vả, tốn kém là thế, nhưng rồi giá bán rau cũng như nhau. Lý do, ai chứng minh rau nào sạch, rau nào không sạch?

Không riêng gì Nghĩa Dũng mà hiện giờ, người trồng rau khắp nơi trong tỉnh dường như cũng chán ngán với cái tên “rau sạch-VietGAP” khi nó bị người tiêu dùng xa lánh vì “hình thức xấu, giá bán cao”. Chẳng thế mà rất nhiều cánh đồng được địa phương quy hoạch sản xuất rau sạch, tiến tới đạt tiêu chuẩn VietGAP như Đức Hiệp, Đức Thắng (Mộ Đức), Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), Nghĩa Thương (Tư Nghĩa)… từ nhiều năm nay nhưng vẫn cứ dậm chân tại chỗ với sản phẩm là rau thường thường hạng trung!

Lối mở nào cho VietGAP?

Trong khi người trồng rau ngày càng mất niềm tin vào sự trở mình của rau sạch, thì các ngành chức năng cũng lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện và giám sát quản lý. Đã thế, dù khuyến cáo nông dân trồng rau sạch, nhưng các cơ quan hữu quan lại chưa có biện pháp hỗ trợ họ trong việc tiêu thụ. “Xã yêu cầu bà con làm rau sạch, rồi hứa sẽ can thiệp tìm giúp đầu ra, giá cả, nhưng đến lúc thu hoạch, chúng tôi có thấy ai nói gì đâu”, một nông dân trồng rau ở xã Nghĩa Dũng cho hay. Giải thích thắc mắc này của người trồng rau, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng Bùi Nhật Minh bảo rằng: “Số phận rau, quả do thị trường quyết định nên dù muốn, xã cũng không biết hỗ trợ nông dân bằng cách nào ngoài việc khuyến khích, mở lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật… trồng rau sạch!”.

Người dân đang thu hoạch rau diếp cá.
Người dân đang thu hoạch rau diếp cá.


Ông Minh cũng nói rằng, hiện nay thành phố đang triển khai thực hiện Đề án sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 10 ha ở xã Nghĩa Dũng. Nếu thực thi, Đề án sẽ là “đòn bẩy” của người trồng rau nơi đây, bởi ngoài đầu ra được đảm bảo tại các siêu thị, cửa hàng, trường học bán trú… trên địa bàn thành phố, sản phẩm còn được UBND thành phố cấp mã vạch, giấy chứng nhận và đóng gói bao bì… giúp nó đứng xa rau bẩn để người tiêu dùng mạnh dạn mua dùng. Biết thế, nhưng nhiều người trồng rau Nghĩa Dũng vẫn không khỏi băn khoăn, nhất là về quan hệ mua bán và giá cả. Bởi “rau VietGAP phải có giá cao hơn rau thường 2.000 - 3.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi. Lúc rau đắt đã đành, nhưng khi rau rẻ như đợt vừa rồi thì liệu các điểm thu mua có quay lưng ép VietGAP?”, ông Đức đặt câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Võ Văn Kỷ cũng cho rằng, “trồng rau VietGAP là tất yếu”. Nhưng muốn VietGAP có chỗ đứng, nó cần sự giúp sức mạnh mẽ từ phía chính quyền. Bởi, ngoài hỗ trợ kỹ thuật sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân thì, các ngành chức năng phải giúp họ tìm địa chỉ tiêu thụ và thương thảo giá bán cũng như bảo vệ thương hiệu cho mỗi sản phẩm.  

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.