Hiu hắt làng dâu tằm

01:08, 29/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 5 năm về trước, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân ( Nghĩa Hành) từng là “thủ phủ” của nghề trồng dâu nuôi tằm. Thế nhưng từ 60 hộ tham gia,  đến nay, con số này đã giảm xuống chỉ còn 1/4…

Hết… “ăn cơm đứng”

Bên 8 nong tằm đang trong thời gian ăn rỗi, lão nông Nguyễn Tấn Thanh, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân cho biết: “Hồi xưa, ông bà nói nuôi heo ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng. Vì nó vất vả quá. Nhưng giờ thì khỏe rồi”.

Lý giải cái “khỏe” của nghề trồng dâu nuôi tằm bây giờ, 16 hộ quyết bám trụ để giữ nghề ở Bình Thành cho rằng, nếu như trước đây, người nuôi tằm phải lấy giống từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), thì nay, đã có xí nghiệp cung cấp giống dâu tằm tơ của chị Nguyễn Thị Minh Phượng được đặt ngay tại Nghĩa Hành, nên bà con có thể rút ngắn được đoạn đường tìm mua giống. Con giống thích nghi được với khí hậu ở địa phương, chất lượng giống ngày càng đảm bảo, nên tằm sống rất khỏe, kén tằm cũng nhờ thế mà “chắc” hơn. Ngoài ra, không còn phải ủ tằm từ trứng như trước. Ngày nay, nếu muốn rút ngắn thời gian, các hộ nuôi tằm ở Bình Thành chỉ cần gọi một tiếng, là địa chỉ cung cấp tằm con ở Hành Phước sẽ giao ngay tằm đến tận nhà. Vậy là thay vì 20 ngày nuôi được một lứa, với cách làm mới này, chỉ trong một tháng, người dân có thể xuất bán 3 lứa tằm.

 

Trên bãi bồi Phước Giang hiện chỉ còn hơn chục hộ gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm.
Trên bãi bồi Phước Giang hiện chỉ còn hơn chục hộ gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm.


Nhẩm tính với chúng tôi, ông Thanh cho biết: “Mua một hộp trứng tằm chỉ có 270 nghìn đồng. Bấy nhiêu trứng, có thể phát triển thành 18 nong tằm trưởng thành và cho khoảng 40kg kén. Với giá khoảng 110 nghìn đồng/kg kén như hiện nay, thì chỉ sau 20 ngày, người nuôi tằm lãi được gần 15 lần”.

Nhưng vẫn bỏ nghề

Trước đây, khi chưa “bén duyên” cùng nghề trồng dâu, nuôi tằm, phần lớn diện tích đất bãi bồi ven sông, người dân Bình Thành chỉ để không, hoặc cấy trồng vài vạc rau lang, mì, bắp. Nhưng từ khi tìm được hướng đi riêng, tận dụng bãi bồi ven sông để gắn bó với nghề tằm tơ, thì toàn bộ 26ha đất bồi ven sông đều xanh bạt ngàn lá dâu. Nhờ có nghề trồng dâu, nuôi tằm, mà các hộ dân Bình Thành có công ăn việc làm ổn định. Những người tuổi cao, không còn khả năng làm việc nặng nhọc, nay cũng có thể gửi tâm huyết của mình vào tằm tơ để đảm bảo thu nhập. Những tưởng, đây sẽ là hướng phát triển kinh tế lâu dài cho người dân dọc sông Phước Giang vốn chịu nhiều thiệt thòi trước thiên tai. Nhưng rồi chỉ sau 10 năm hưng thịnh, hơn quá nửa số người tâm huyết với con tằm, cây dâu…quyết định “quay lưng”.

Lý giải nghề tằm tơ không còn là nghề “ăn cơm đứng”, nhưng người dân vẫn bỏ nghề, bà Phùng Thị Mận, một trong những người nuôi tằm đầu tiên ở Bình Thành trầm ngâm: Chỉ có hai năm nay, giá cả kén tằm mới khá như vậy. Chứ trước đây, có lúc giá kén chỉ rớt xuống còn 15-20 nghìn đồng/kg, thì thử hỏi ai còn muốn bám lấy nghề?”

Vướng vào “điệp khúc” giá bấp bênh, nên nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân trở nên hiu hắt. Bãi dâu bạt ngàn năm nào, giờ chỉ còn chưa đến 6 ha, nằm lưa thưa bên những diện tích đất bỏ hoang cằn cỗi. Thưa vắng tiếng tằm ăn rỗi, không còn nhộn nhịp người người hái lá dâu bên bãi bồi…nên sự tiếc nuối, hiện rõ trên gương mặt của những người “tiên phong” đưa nghề trồng dâu nuôi tằm về với Bình Thành như ông Lê Hồng Phong, Nguyễn Duyên Tề, Nguyễn Bá Thịnh…

Bài, ảnh: Ý THU

 


.