Cây... thoát nghèo ở Sơn Kỳ

01:09, 04/09/2012
.

(QNg)- Từ hơn 5 năm trở lại đây, cây mì (sắn) "lên ngôi" đã giúp không ít nông dân xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) "ăn mì, ngủ mì" thoát khỏi cảnh nghèo túng. Có hộ gia đình nhờ cây mì mà xây được nhà mới, mua xe máy, vật dụng trong nhà, nuôi con ăn học.

TIN LIÊN QUAN


Thành công từ cây mì đã mang lại một tín hiệu tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nơi xã nghèo vùng cao. Tuy vậy, nông dân trồng mì cho rằng, cần có một giá sàn cho cây mì thì may ra cây mì mới là "phao" cứu sinh trường kỳ. Còn không, cây mì vẫn chỉ là cái no trước mắt, còn lâu dài vẫn chưa thể an tâm!

Thoát nghèo nhờ cây mì

Sau bao năm "thí nghiệm" nhiều phương thức làm giàu nhưng tình trạng nghèo, đói vẫn ở mức cao, đến đầu những năm 2000 khi cây mì được người miền xuôi trồng nhiều, đồng thời giá củ mì nguyên liệu tăng cao đã mang lại một tín hiệu tích cực. Từ đây, người dân xã Sơn Kỳ bắt đầu tiếp cận với cây mì.

Theo thống kê của UBND xã Sơn Kỳ, hiện trên địa bàn toàn xã cây mì có diện tích 410ha. Năng suất trung bình 150 tạ/ha. Sản lượng ước tính cả năm đạt 6.510 tấn. "Từ ngày cây mì có giá cao, đồng thời người dân cũng ý thức hơn trong việc làm giàu, không còn ỷ lại vào Nhà nước đã mang lại một tín hiệu đáng mừng. Nhờ cây mì mà tình hình kinh tế - xã hội địa phương nhiều năm qua đã có những chuyển biến tích cực" - ông Đinh Tấn Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ chia sẻ.

 

Mặc dù là người tạo ra sản phẩm nhưng nông dân trồng mì quá lệ thuộc về giá và không có quyền quyết định.
Mặc dù là người tạo ra sản phẩm nhưng nông dân trồng mì quá lệ thuộc về giá và không có quyền quyết định.


Cây mì bước đầu mang lại cho một bộ phận hộ gia đình có của ăn của để. Nhận thấy điều này, UBND xã Sơn Kỳ nhanh chóng triển khai sâu rộng mô hình trồng cây mì trên vùng đất bạc màu… nhằm xóa đói nhanh và bền vững.  Trong đó, giống cây mì cao sản, phương thức chăm bón, thu hoạch và làm đất sao cho thích ứng nhất ngay sau đó được đưa vào các chuyên đề trong nghị quyết xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế của xã. Nhờ đó, cây mì nhanh chóng được trồng và diện tích ngày càng mở rộng" - ông Bắc cho biết thêm.

Theo ông Bắc, hiện nay đa phần những hộ dân trồng mì đều sở hữu những vựa mì có thể lên đến vài hecta. Thu nhập bình quân của người dân địa phương hiện nay ở mức từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/năm. "Nhờ cây mì mà thu nhập của người dân mới thực sự chuyển biến tích cực, bởi cách đây 5 năm về trước thu nhập của người dân chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng/người/năm. Chúng tôi đang cố gắng đưa cây mì trở thành cây chủ lực trong giai đoạn hiện nay".

Anh Đinh Văn Nhất, thôn Làng Riềng cho biết, nhà anh hiện có hơn 1,5ha mì đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Đứng nhìn ruộng mì xanh mượt sắp mang lại cho gia đình gần 200 triệu đồng, anh Nhất tâm sự: "Vụ này thời tiết có nhiều bất lợi nhưng nhờ xã thông báo phương pháp chăm sóc cụ thể nên năng suất cây mì có những tiến triển nhất định. Bán mì xong tui sẽ trích một ít mua xe máy, ti vi về xem, còn lại để dành lo cho các con ăn học".

Không chỉ riêng anh Nhất, mà hàng trăm người dân trên địa bàn xã Sơn Kỳ thoát khỏi đói, nghèo nhờ vào cây mì. Con đường nhựa phẳng lì dẫn về trung tâm xã Sơn Kỳ hai bên bát ngát những ruộng mì. Xa xa những ngôi nhà đang được xây mới, có nhà đã hoàn thành trông rất hoành tráng. Bộ mặt xã Sơn Kỳ đang từng ngày thay da đổi thịt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nơi rẻo cao…
    
Bài toán: Giá sàn…


Cây mì đã mang lại cho người dân xã Sơn Kỳ những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, người dân Sơn Kỳ vẫn mong mỏi ở cây mì một mức giá thật sự ổn định để người dân an tâm trong quá trình canh tác và gắn bó lâu dài với cây mì.

Ngoài việc tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng cũng như mở rộng diện tích, UBND xã Sơn Kỳ đang hướng đến việc đặt vấn đề với các bên liên quan nhằm tìm kiếm một giải pháp về giá theo hướng có lợi cho người nông dân. Đó là tạo ra một mức giá thật sự ổn định để người dân yên tâm gắn bó lâu dài với cây mì.

 Bà Đinh Thị Bền, thôn Nước Lác tâm sự: "Cây mì giúp gia đình tôi thoát nghèo, nhưng hiện nay với mức giá "nhảy múa" theo thời vụ thì người trồng mì chẳng biết đâu mà lần. Đầu vụ giá 2.000 đồng/kg, giữa vụ "rớt" xuống 1.000 đồng/kg. Người nông dân trồng mì chỉ biết lao động tạo ra sản phẩm mà không được quyết định về giá".

Ông Đinh Quang Trò - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kỳ cho rằng, hiện nay tư thương đang "thao túng" giá mì nguyên liệu nên người nông dân trồng mì đang gặp "khó" dù cây mì giúp họ thoát nghèo. "Cây mì cũng nên như những sản phẩm nông nghiệp khác. Đằng này cây mì chẳng có một mức giá nào cụ thể. Người nông dân vã mồ hôi, sôi nước mắt cày sâu, cuốc bẫm nhưng chỉ đủ ăn, còn làm giàu thì thật khó vì giá do người thu mua quyết định chứ không phải thị trường chung. Tôi nghĩ cần phải có một mức giá sàn cụ thể thì cây mì mới tồn tại lâu dài" - ông Trò nói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.