Mô hình nhóm hoạt động: Kinh nghiệm quý từ Chương trình ISP

08:06, 03/06/2012
.

(QNg)- Nhóm hoạt động nuôi heo ở thôn Diên Sơn, xã Long Sơn (Minh Long) được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở các hộ nhận giống heo từ Chương trình 135 II cung cấp. Nhóm có 20 thành viên toàn nữ. Đến nay nhóm đang hoạt động tốt và chăn nuôi, trồng trọt đa dạng như nuôi heo thịt, heo sinh sản, bò thịt, trồng keo.  

TIN LIÊN QUAN


Bà con trong nhóm thường xuyên được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt từ Chương trình ISP- Đây là Chương trình hỗ trợ thực hiện Chương trình 135 II do Cơ quan phát triển Quốc tế Ôxtrâylia (AusAID) tài trợ cho tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 8/2008.

ISP tập huấn về kỹ năng kinh doanh nông nghiệp cho phụ nữ xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà.
ISP tập huấn về kỹ năng kinh doanh nông nghiệp cho phụ nữ xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà.


Trước kia, chưa được tập huấn bà con nuôi heo dài tháng hơn và thường bán hoá không biết rõ giá cả thị trường nên bị lái buôn ép giá. Từ khi được ISP tập huấn lập kế hoạch kinh doanh, đi tham quan học tập nhiều nơi, các thành viên biết giá cả thị trường, chỗ mua, chỗ bán vật nuôi, đại lý thức ăn, thuốc thú y, thương lái tin cậy... nên thời gian nuôi ngắn hơn, bán có lãi, nhiều hộ thoát nghèo, thu nhập tăng lên.  Qua đó cho thấy, nhóm hoạt động (NHĐ) là nơi họp mặt, chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong sản xuất và trong cuộc sống rất hiệu quả.

Được biết, các nhóm hoạt động thuộc Chương trình ISP thành lập trên cơ sở hộ nghèo, hưởng lợi các đầu vào của Chương trình 135 II như: Giống cây trồng, vật nuôi, công cụ và sử dụng thiết bị trong nông nghiệp. Trong năm 2009, ISP hỗ trợ cho 140 Nhóm hoạt động tại 37 xã ở các huyện miền núi của tỉnh thuộc Chương trình 135 II. Đến năm 2010 và 2011 số lượng xã nhận được hỗ trợ từ ISP đã tăng lên tới 47 xã với tổng số 458 nhóm hoạt động.

Với cách tiếp cận mới là thông qua nhóm hoạt động, ISP đã hỗ trợ những gói nâng cao năng lực cần thiết cho trên 20.000 hộ gia đình tham gia, chiếm 66% tổng số hộ hưởng lợi của toàn Chương trình 135 II (với hơn 36.000 hộ) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp của các xã thuộc Chương trình 135 II.

Nội dung tập huấn của Chương trình ISP gồm 3 chủ đề chính, đó là: Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, kinh doanh nông nghiệp và thị trường, kỹ năng lãnh đạo nhóm (chỉ dành cho lãnh đạo các nhóm).

Các xã được giao làm chủ đầu tư cho các hoạt động phát triển sản xuất kể từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình ISP. Do vậy, năng lực của cán bộ xã và thôn đã tăng lên đáng kể. Theo đó, 100% các xã đã có thể quản lý tốt các hợp đồng dịch vụ của ISP. Toàn bộ các hoạt động tập huấn đều dựa trên nhu cầu của các thành viên của nhóm hoạt động và xã ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ tập huấn. Các đơn vị cung cấp dịch vụ tập huấn phần lớn là các đơn vị ở huyện nên đã hiểu kỹ địa bàn tại địa phương. Họ tổ chức sinh hoạt định kỳ. Cứ vào ngày thứ 15 hàng tháng, các thành viên trong nhóm sinh hoạt với nhau, chia sẻ thông tin để hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Nhóm hoạt động đã đạt được nhiều kết quả tốt. Thành viên các nhóm hoạt động đánh giá rằng, họ đã hưởng lợi đáng kể từ chương trình tập huấn nhóm hoạt động và các hoạt động liên quan khác của ISP. Tập huấn về kinh doanh nông nghiệp và thị trường là một nội dung mới được ISP triển khai nhằm cải thiện định hướng về thị trường cho nông hộ thuộc Chương trình 135 II. Kết quả từ chương trình nâng cao năng lực cho nhóm hoạt động cho thấy, nông hộ đã sử dụng hiệu quả hơn các kiến thức học được từ các khoá tập huấn về kinh doanh nông nghiệp và thị trường. Hơn 70% các hộ được khảo sát đã áp dụng kiến thức tập huấn về thị trường để bán sản phẩm; 30% nông hộ chưa áp dụng kiến thức đã học phần lớn là các hộ gặp rủi ro trong sản xuất hoặc không có sản phẩm để bán, 21% nông hộ đã áp dụng kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh.

Hỗ trợ của ISP đối với Chương trình 135 II đã góp phần đáng kể để tăng diện tích sản xuất, năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi của hộ hưởng lợi. Đánh giá tác động của Hợp phần phát triển sản xuất cho thấy, 80% nông hộ nói rằng diện tích sản xuất và năng suất của cây trồng như mì, keo, lúa và năng suất của vật nuôi như bò sinh sản, heo sinh sản, heo thịt đã tăng lên đáng kể so với trước khi tham gia chương trình. Đây là nguyên nhân chính làm tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập và giảm đói nghèo đối với nông hộ miền núi.

Thu nhập của hơn 57,5% các đối tượng hưởng lợi Chương trình 135 II đã tăng lên, trong đó 50,4% có thu nhập lớn hơn 3,5 triệu đồng/người/năm. Mục tiêu của Chương trình 135 II (theo khung lộ trình của tỉnh Quảng Ngãi) là 70% đối tượng hưởng lợi Chương trình 135 II có thu nhập lớn hơn 3,5 triệu đồng/người/năm. Mặc dù mục tiêu này không đạt được nhưng đã có số lượng đáng kể nông hộ với thu nhập tăng lên (57%) và thu nhập lớn hơn tỉ lệ đặt ra (50%). Thành quả này có sự đóng góp đáng kể của Chương trình ISP trong những năm qua và đóng góp cho tỉnh ta nhiều bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xã hội ở miền núi.


Bài, ảnh: Nguyễn Khâm
 


.