Hỗ trợ phụ nữ vay vốn: Đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả

08:04, 27/04/2012
.

(QNg)- Hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất được cán bộ hội phụ nữ các cấp đánh giá là hoạt động có sức hút mạnh mẽ đối với hội viên phụ nữ. Với suy nghĩ mới, cách làm mới, hoạt động này đã mang lại hiệu quả cao.  

TIN LIÊN QUAN


"Tiếp sức" cho chị em  

Nói về tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ phụ nữ vay vốn, chị Huỳnh Thị Tuyết Nga-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: "Hỗ trợ vay vốn là nhiệm vụ có sức hút mạnh mẽ đối với hội viên phụ nữ. Hoạt động này không chỉ giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, mà còn góp phần giảm nghèo ở địa phương". Chính vì đáp ứng nhu cầu thiết thực của chị em phụ nữ trong xây dựng cuộc sống, nên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội phụ nữ tích cực triển khai hoạt động này.

 Phụ nữ ở ven biển tham gia sơ chế hải sản để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Phụ nữ ở ven biển tham gia sơ chế hải sản để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.


Khác hẳn với xưa kia-phụ nữ chủ yếu làm nội trợ và phụ thuộc vào chồng, trong xã hội hiện đại số đông chị em chủ động, tự lực phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Có rất nhiều phụ nữ thành công từ sự nỗ lực của bản thân và sự "tiếp sức" của hội phụ nữ. Tính đến nay, tổng nguồn vốn vay Hội LHPN tỉnh quản lý lên đến gần 800 tỷ đồng. Khoảng 70.000 lượt phụ nữ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ vay vốn, trong đó có gần 32.000 phụ nữ thoát nghèo.  

Cán bộ hội phụ nữ đã tuyên truyền, hướng dẫn chị em cách sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Thực tế cho thấy các cấp hội phụ nữ ở tỉnh ta đã thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ phụ nữ vay vốn. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Huỳnh Thị Tuyết Nga cho biết, không phải là không có tình trạng nợ quá hạn, tỷ lệ nợ quá hạn thông qua kênh của phụ nữ là 0,46%. Tuy ở mức "cho phép" (quy định nợ quá hạn không vượt quá 1%-PV) nhưng không vì thế mà lấy làm chủ quan, Hội LHPN chỉ đạo cán bộ hội thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở để thu hồi nợ, đồng thời quản lý chặt chẽ và không ngừng phát huy hiệu quả vốn vay.

Hình thành thói quen có lợi

Thói quen có lợi mà chị em "gặt hái" thông qua hoạt động hỗ trợ vay vốn của hội phụ nữ đó chính là thói quen tiết kiệm. Vừa phát triển kinh tế, vừa thực hành tiết kiệm là phương châm được các cấp phụ nữ thường xuyên truyền đạt để hội viên phụ nữ hiểu và thực hiện, vì mục tiêu phát triển kinh tế gia đình bền vững. Với sự đổi mới trong công tác thu hồi vốn và lãi suất theo kiểu phân kỳ, hội phụ nữ phát triển mô hình tổ tiết kiệm vay vốn. Đây là hình thức tiết kiệm tự nguyện theo kiểu "lấy ngắn nuôi dài". Tùy vào sự thống nhất của chị em trong tổ vay vốn, có tổ mỗi chị tiết kiệm 10.000đ/tháng, có tổ mỗi người đóng tiết kiệm 20.000 đồng/tháng... "Hội phụ nữ tuyên truyền, vận động thành lập tổ vay vốn tiết kiệm nhằm giúp chị em hình thành tính tiết kiệm để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống; đồng thời cũng là để mở rộng đối tượng được hỗ trợ vay vốn", chị Huỳnh Thị Tuyết Nga nói.   

Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.060 tổ phụ nữ tiết kiệm/1.167 tổ phụ nữ vay vốn (đạt 90,8%). Hội LHPN tỉnh đề ra chỉ tiêu "Cố gắng có 100% tổ vay vốn hình thành được tổ tiết kiệm". Số tiền các tổ phụ nữ vay vốn trong tỉnh thực hiện tiết kiệm đạt được lên đến tiền tỷ. Chỉ tính riêng tổ tiết kiệm vốn vay của phụ nữ xã Bình Châu (Bình Sơn), từ 320 triệu đồng vốn vay ban đầu, đến nay các chị đã tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng. Hiện tại, ở khu vực đồng bằng có nhiều huyện đạt tỷ lệ 100% tổ vay vốn thành lập tổ tiết kiệm. Hoạt động hỗ trợ vay vốn, vận động thành lập tổ tiết kiệm thể hiện tính sáng tạo của hội phụ nữ trong hoạt động trợ giúp cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo trên bước đường xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Điều này hỗ trợ tích cực trong triển khai hoạt động hội cũng như thúc đẩy sự phát triển của địa phương.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.