Doanh nghiệp tại khu công nghiệp Quảng Ngãi: Muôn vàn cái khó

09:07, 11/07/2011
.

(QNg)- Tính toán kinh doanh cho có hiệu quả vào thời điểm hiện nay là một điều cực khó đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Quảng Ngãi.

KHÓ CHỒNG KHÓ:

Năm 2011 tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Quảng Ngãi, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc nâng tỷ giá, tăng giá xăng dầu, giá điện, rồi chỉ số giá tiêu dùng (tính bình quân 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,03% so với cùng kỳ năm ngoái) khiến giá thành đầu vào tăng cao, càng làm cho khó khăn của doanh nghiệp ngày càng chồng chất.
 
Duy trì sản xuất trong giai đoạn hiện nay đã là thành công của doanh nghiệp.
Duy trì sản xuất trong giai đoạn hiện nay đã là thành công của doanh nghiệp.

Một vấn đề cũng chưa giải được là bài toán lãi suất. Với chính sách thắt chặt tiền tệ nên không ít doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn; còn nếu DN vay được vốn thì lãi suất trung bình trên 20%/năm. Tình trạng lãi suất như hiện nay đã qúa sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. Bởi mặt bằng lãi suất cao như vậy, cộng với chi phí đầu vào tăng cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mới đây Chính phủ đã có chỉ đạo các ngân hàng phải giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng đến nay mức giảm chưa thấm vào đâu, trong khi tất cả mọi nguyên liệu đầu vào vẫn đang trên đà tăng giá.

Những yếu tố nêu trên làm cho không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh phải tính toán lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiều dự án, kế hoạch mở rộng phải đình, hoãn và điều này ít nhiều ảnh hưởng dây chuyền đến doanh nghiệp khác. Ông Chu Huy Bính-Giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu Puzơlan Idico (Khu công nghiệp Tịnh Phong) cho hay: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất chất phụ gia cho các công trình giao thông, thủy lợi, nhưng với việc nhiều công trình lớn chững lại do thiếu vốn, đã làm cho công ty gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
 
Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi thì trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt trên 804 tỷ đồng (bằng 37% kế hoạch năm). Còn chỉ tiêu nộp ngân sách mới đạt 40,4% kế hoạch (với số tiền trên 183 tỷ đồng).

Thực tế hiện nay doanh nghiệp đang đau đầu giải một bài toán đầy mâu thuẫn. DN phải chịu lãi suất quá cao so với tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, mà khi nếu không vay thì không thể duy trì sản xuất kinh doanh được. Ông Lưu Văn Bảy-Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Vũ (KCN Quảng Phú) đề nghị: Ngân hàng nên cho vay ưu đãi lãi suất đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, cụ thể là cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Phát triển-Chi nhánh Quảng Ngãi. Cùng với đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% trên suất phải đóng, để doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và ổn định việc làm cho người lao động.

6 THÁNG CUỐI NĂM-CÒN NHIỀU THÁCH THỨC:

Bên cạnh giải pháp giảm lãi suất, Chính phủ còn thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, giảm thuế; ưu tiên tập trung vốn cho khu vực sản xuất và xuất khẩu... Tuy nhiên những dự báo về khó khăn đối với các doanh nghiệp vẫn còn đó. Bởi theo quy luật thị trường ở nước ta thì vào những tháng cuối năm, giá cả lại tăng cao, nên chi phí cho sản xuất của doanh nghiệp phải đội lên là điều đã thấy trước.
 
Ông Nguyễn Mậu Bạch-Giám đốc Xí nghiệp Gạch Dung Quất (KCN Tịnh Phong) thẳng thắn thừa nhận, trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp phải gồng mình nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động. Với xí nghiệp chúng tôi hiện nay khó khăn hiển hiện trước mặt vì nguồn nguyên liệu đầu đã hết, nên 6 tháng cuối năm buộc phải nhập hàng, mà với giá thành đầu vào cao như hiện nay thì khó mà kinh doanh đạt hiệu quả.

Trong khi đó lạm phát là giá thành của lãi suất, nhưng năm 2011 dự báo lạm phát khả quan nhất là khoảng 17-18%. Như vậy từ nay đến cuối năm, thậm chí đầu năm sau lãi suất khó giảm xuống dưới mức này. Bài toán lãi suất, chi phí đầu vào vì thế cứ quẩn quanh với các doanh nghiệp.

Hoàng Triều

.