Đào tạo nghề cho nông dân Quảng Ngãi: Theo sát nhu cầu và thực tế vùng miền

01:06, 30/06/2011
.

(QNg)- Sự hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp đã làm cho đất nông nghiệp thu hẹp dần. Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế tăng thu nhập, Hội Nông dân Quảng Ngãi đã dựa trên cơ sở nhu cầu của nông dân và thực tế các vùng miền mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân. Đến nay đã có nhiều vùng quê bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoặc mở các cơ sở dịch vụ làm ăn...

Lớp tập huấn phải sát sườn về lợi ích

 Kể từ khi Nhà nước khởi động xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất, người dân ở huyện Bình Sơn có nhu cầu học nghề để được làm việc trong KKT Dung Quất hoặc cung ứng dịch vụ cho đội ngũ lao động ở KKT này. Hội Nông dân huyện Bình Sơn đã mở nhiều lớp tập huấn. Thông qua đó nhiều nông dân đã nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, cây kiểng, rau sạch hoặc mở các dịch vụ điện dân dụng, điện cơ, sửa chữa xe máy.
 
Thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, nông dân Sơn Tịnh đã biết trồng nấm cho thu nhập cao.
Thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, nông dân Sơn Tịnh đã biết trồng nấm cho thu nhập cao.

Tại xã Bình Dương nằm ở vùng hạ lưu con sông Trà Bồng, nông dân phát huy lợi thế của vùng bãi bồi, để trồng bí đao, rau, đậu, ớt. Bên cạnh đó nhiều hộ còn nuôi tôm, nuôi cua xanh, cá các loại. Những sản phẩm từ đồng đất quê nhà, từ những hồ nuôi tôm được chuyển về bán ở KKT Dung Quất và cung ứng cho những hàng quán ở địa phương. Theo con đường bê tông uốn lượn ôm những cánh đồng rau, đồng tôm, du khách về vùng đất cuối con sông có thể thưởng thức những món hải sản còn tươi nguyên của những hàng quán, mà nguồn nguyên liệu được nuôi trồng từ những ao hồ bên cạnh.

Ông Lê Tấn Cống - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn bộc bạch: Đất ngày càng thu hẹp bởi một phần nhường chỗ cho Khu Kinh tế Dung Quất xây dựng công trình, phần do dân số tăng. Để đảm bảo cuộc sống cho nông dân, Hội phải chọn nghề để đào tạo, tập huấn cho nông dân phù hợp với từng vùng miền như, ở  Bình Dương thì mở lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản, thâm canh hoa màu trên cùng một chân đất; ở 2 xã Bình Minh, Bình Khương thì mở lớp đào tạo nghề vận hành điện dân dụng. Còn ở xã Bình Hải thì Hội mở lớp tập huấn nuôi bò lai. Nhờ định hướng tổ chức phù hợp nên nông dân phấn khởi tham gia các lớp tập huấn. Sau đó bà con về áp dụng và đạt kết quả cao, nên  nhiều hộ đã trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh...

Tại huyện Sơn Tịnh, Hội Nông dân huyện đã sớm nhận định thế mạnh để phát triển sản xuất của từng vùng và tìm hiểu thêm về nghề truyền thống, để mở những lớp tập huấn, nên nông dân càng phấn khởi. Đến nay các nghề: Trồng hoa cây kiểng; trồng nấm, chăn nuôi- thú y; nghề mây tre đan... đã hình thành theo từng vùng ở Sơn Tịnh. Ông Lê Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Tịnh cho biết: Xác định rõ đặc điểm của từng vùng trên cơ sở họp dân tham khảo ý kiến, Hội đã liên hệ với Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm của tỉnh có kế hoạch đào tạo nghề. Cách làm phù hợp, nên nông dân tích cực tham gia tập huấn. Sau đó bà con mạnh dạn đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của mình.

Sức ép về nhu cầu đào tạo nghề

 Mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc đào tạo nghề cho nông dân theo vùng miền và theo nhu cầu của bà con, nhưng lao động nông thôn chủ yếu là nông dân chưa qua đào tạo hiện nay còn rất lớn (với khoảng 70% số lượng lao động trong độ tuổi). Trong khi đó hằng năm Quảng Ngãi có khoảng 10 ngàn lao động nông thôn đến tuổi lao động có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm. Để giải quyết nguồn lao động đang muốn học nghề, Hội nông dân tỉnh đã chỉ đạo cho hội nông dân các địa phương xây dựng phương án đào tạo nghề cho địa phương mình.

Hiện nay Hội nông dân huyện Sơn Tịnh tiếp tục củng cố các câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân ứng dụng Internet, câu lạc bộ trồng hoa cây cảnh, mây tre đan hoặc xây dựng mô hình mua phân bón trả chậm để nhân rộng ra các địa phương. Hội nông dân huyện Bình Sơn tiếp tục phối hợp với Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm tỉnh đào tạo nghề: Sửa chữa vận hành xe ủi, thú y, vận hành máy băm, kỹ thuật trồng nấm, nuôi nhông... để đáp ứng cho các cơ sở dịch vụ và xây dựng ở KKT Dung Quất.

Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh cho biết: Để công tác đào tạo nghề cho nông dân đạt kết quả cao hơn thì, bên cạnh sự nỗ lực của Hội nông dân các cấp, rất mong sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc vận động nông dân tham gia các lớp đào tạo nghề. Sau khi đào tạo, chính quyền cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh,  góp phần thực hiện thắng lợi việc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Bài, ảnh: Mai Hạ

.