Tây Trà: Bò nuôi trở thành bò rừng

09:11, 02/11/2010
.

(QNĐT)- Ai đã một lần đi qua đoạn đường từ Trà Bồng lên huyện miền núi Tây Trà vào đêm tối, sẽ thấy trong màn đêm của núi rừng những ánh mắt  tròn xoe chớp loà trong bóng tối. Đó là ánh mắt của những con bò mà bà con quanh vùng thả cả ngày lẫn đêm trong rẫy.
 
Thời gian qua dù chính quyền địa phương đã có nhiều phương án hỗ trợ đàn bò phát triển, trong đó chú trọng cấp phát giống bò cho dân và hỗ trợ làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc đàn bò không thả rông như trước, nhưng kết quả mang lại không nhiều.
 
Chuồng được dựng lên, nhưng việc nuôi nhốt bò vẫn còn là chuyện hãn hữu.
Chuồng được dựng lên, nhưng việc nuôi nhốt bò vẫn còn là chuyện hãn hữu.

Chuồng vẫn được dựng lên nhưng bò không nhốt, cấp bò giống vẫn cấp nhưng số lượng đàn bò qua nhiều năm vẫn không phát triển.

Có nhiều hộ gia đình đàn bò từ 7 đến 10 con nhưng họ vẫn cứ thả rông ngoài rừng núi, không chăm sóc. Điển hình như gia đình ông Hồ Văn Sử ở xã Trà Phong những năm trước có 7 con bò nhưng chỉ thả ngoài rừng. Ông kể, lâu lâu đàn bò của ông kéo về thăm nhà, có lúc hơn 3 tháng chúng mới về một lần, gặp lúc sinh nở thì chúng dẫn thêm những chú nghé về. Sau khi về nhà ít hôm ông lại cho bọn trẻ lừa đàn bò quay lại núi cách nhà 5 – 7 cây số và để chúng lại ở đó. Vì thế bò phát triển tự nhiên, được con nào hay con đó và qua nhiều năm đàn bò của ông không tăng mà lại giảm, đến nay chỉ còn 3 con.

Theo thống kê của huyện Tây Trà, thời gian qua, thông qua nhiều chương trình dự án đã cấp trên 500 con bò giống cho dân, chủ yếu là bò cái vàng địa phương, làm 1.000 chuồng nhốt bò và nhiều mô hình chăm sóc đàn bò nhưng số lượng đàn bò toàn huyện vẫn không vượt qua 5.000 con.

Nếu người dân chăm sóc đúng hướng thì đàn bò sẽ phát triển rất mạnh vì nơi đây thời tiết rất phù hợp cho bò phát triển, cộng với diện tích đất trống, đồng cỏ rộng, tạo nguồn thức ăn dồi dào. Thế nhưng cái khó   là người dân chưa thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò. Hơn nữa tập quán chăn nuôi thả rông của bà con không dễ thay đổi được trong một sớm một chiều.

Khi bước vào mùa mưa rét cũng là lúc đàn bò thả rông phải chết lạnh giữa rừng, trong khi đây là một tài sản lớn của bà con. Làm sao để người dân thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò và chăm sóc đàn bò phù hợp vẫn còn là một bài toán nan giải đối với các ngành chức năng ở huyện Tây Trà.

Bài, ảnh:  Đình Long

.