Lấy cát biển trồng hành tỏi: Lợi bất cập hại

10:08, 17/08/2010
.

(QNĐT) - Bao đời nay, để trồng hành- tỏi đạt năng suất và cho hương vị thơm đặc trưng, người dân huyện đảo Lý Sơn phải dùng cát biển trải một lớp trên đất thịt rồi mới xuống giống. Vài năm trở lại đây, khi nguồn cát ngày càng khan hiếm thì việc lấy cát trở nên vất vả hơn; đồng thời cách làm này đã gây nguy cơ xâm thực, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển khá nghiêm trọng...

* Lợi trước mắt...
Cùng với đất thịt, khí hậu, thì cát biển góp phần tạo nên nét riêng của hành- tỏi Lý Sơn mà không nơi nào có được. Khoảng 6 năm về trước, nguồn cát trắng ở đây còn dồi dào và dễ khai thác. Người dân chỉ việc ra bờ biển, dùng cuốc cào  vun thành đống rồi mang về để trồng hành tỏi. Do việc lấy cát dễ như thế cộng với giá mua rất rẻ nên người dân không ý thức cao trong việc sử dụng hợp lý nguồn cát biển quý này.
Tỏi Lý Sơn được người dân thu hoạch đưa về nhà.
Tỏi Lý Sơn được người dân thu hoạch đưa về nhà. Ảnh: P.Danh

Theo thống kê, toàn huyện Lý Sơn hiện có trên 300 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 260ha diện tích trồng tỏi, còn lại là trồng hành, bắp xen canh. Phần lớn số diện tích trồng hành- tỏi mỗi năm đều phải phủ lên một lớp cát biển mới cho năng suất, sản lượng đạt cao.

Hiện nay năng suất cây tỏi bình quân ở đây đạt 80-90 tạ/ha; cây hành đạt 130 tạ/ha. Sau khi có thương hiệu, giá đầu ra của hai loại cây này cũng tăng lên đáng kể, hiện nay tỏi Lý Sơn có giá 80.000 đồng/kg (cao gấp 4-5 lần so với những năm trước); hành 28.000 đồng/kg (cao gấp 2-3 lần).

Nhờ đó thu nhập của nông dân huyện đảo Lý Sơn đã tăng lên đáng kể, bình quân đạt từ 12 triệu đồng đến gần 15 triệu đồng/người/năm. Riêng đối với "nghề" lấy cát biển, trung bình mỗi ngày một người đi lặn dùng vòi hút cát được cả chục mét khối, bán ra cũng được thu  hàng trăm ngàn đồng.

* Hại lâu dài
Hiện nay lấy cát biển trồng hành tỏi người dân Lý Sơn phải trang bị một bè lớn chứa được khoảng 9 m3 cát; một máy động cơ diezen (công suất từ 20 -30 CV) có gắn máy hút cát loại lớn và một máy oxy để trợ giúp cho người lặn.

Mỗi chuyến đi ít nhất là 2 người, họ ra nơi có mực nước khá sâu (khoảng 30 mét). Một người lặn xuống để điều khiển vòi hút cát, người ở trên thì trợ giúp. Khi đã đầy bè thì họ vào bờ và cho cát xuống biển, rồi sau đó mới lại một lần nữa hút cát lên trên bờ để bán.
 
Cát biển sau khi được "khai thác" từ ngoài biển chuyển vào sẽ được người dân sàng kỹ dùng để trồng hành tỏi. ảnh M.Toàn
Cát biển sau khi được "khai thác" từ ngoài biển chuyển vào sẽ được người dân sàng kỹ dùng để trồng hành tỏi. Ảnh: M.Toàn

Ở huyện Lý Sơn hiện có khoảng 10 bè hoạt động lấy cát, chủ yếu là ở An Hải, vì nơi đây có nhiều cát hơn. Họ làm việc cả ngày, chỉ khi nào có bão hoặc gió nam mới nghỉ. Theo một cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Sơn cho hay, việc lấy cát như thế ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, nhưng không thể nào cấm người dân được vì đây là kế sinh nhai của họ. Hơn nữa nếu họ không làm thì sẽ không có cát cho việc canh tác hành tỏi trong khi chưa có biện pháp tối ưu nào để thay thế cát.

Được biết, từ năm 2000-2003, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi có triển khai đề tài khoa học: Khảo sát, xây dựng mô hình, giải pháp kỹ thuật canh tác hành tỏi trong điều kiện thổ nhưỡng ở đảo Lý Sơn. Nghe đâu kết quả đã nghiên cứu thành công công nghệ cải tạo đất không cần dùng cát phủ và thay đất trong canh tác hành tỏi tại huyện đảo Lý Sơn. Tuy nhiên không hiểu sao kể từ đó đến nay vẫn không được triển khai ra diện rộng?

Việc hút cát biển ồ ạt phục vụ canh tác hành tỏi ở Lý Sơn đã kéo theo hệ lụy là khiến cho nạn xâm thực của sóng biển vào đất đảo những năm gần đây ngày càng nghiêm trọng.

Trong đợt mưa bão năm 2009, triều cường đã "gặm" mất của huyện đảo gần 4 ha đất sản xuất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm nằm dọc theo các vùng bờ biển phía bắc và phía đông nam của đảo.

Trong đó có nhiều đoạn bị sóng biển xâm thực sâu vào đất liền từ 7 đến 20 mét, như đoạn từ sân vận động đến giếng Xó La, ở thôn Đông, xã An Vĩnh; đoạn từ bãi rác đến khu vực Chùa Hang, của xã An Hải. Ngoài ra còn có hơn 200 ha đất trồng hành, tỏi bị mưa gió cuốn trôi lớp đất cát trên bề mặt, gây thiệt hại cho nông dân Lý Sơn hàng chục tỷ đồng.
 
 Trước khi xuống giống hành- tỏi, người dân Lý Sơn phải phủ lên bề mặt đất một lớp cát khá dày. ảnh M.Toàn
Trước khi xuống giống hành- tỏi, người dân Lý Sơn phải phủ lên bề mặt đất một lớp cát khá dày. Ảnh: M.Toàn

Còn chưa đầy 2 tháng nữa, bà con nông dân Lý Sơn sẽ bước vào sản xuất vụ hành mùa và vụ tỏi đông xuân 2010 -2011. Đây là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Thời điểm này, bà con nông dân trong huyện đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo lại toàn bộ trên 300 héc ta diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của bà con nông dân, vụ sản xuất này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là do thời tiết phức tạp và thiếu đất cát phủ lên bề mặt để xuống giống.

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ các ngành chức năng ở Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn cần nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu để canh tác bền vững cây hành- tỏi trên đất đảo và bảo vệ môi trường sinh thái biển ở Lý Sơn.

Phạm Danh

.