Người trông coi di tích: Cần được quan tâm, đãi ngộ tương xứng

09:03, 09/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, chế độ đãi ngộ dành cho người trông coi, bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Vì vậy, các cấp, ngành cần quan tâm, đề ra giải pháp thiết thực hơn để bảo đảm quyền lợi cũng như tăng trách nhiệm cho họ. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại cơ sở.
 
Xã Hành Phước có 1 di tích cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh, nhưng chỉ có 1 di tích có người trông coi, còn lại các di tích giao cho Hội Cựu chiến binh xã, các trường đảm nhận, vệ sinh định kỳ. Đảm nhận trông coi di tích cấp tỉnh - Nhà lưu niệm Nguyễn Công Phương, ở thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đã hơn 5 năm qua, ông Phạm Vi Dân (63 tuổi) luôn tận tâm với phần việc được chính quyền giao. Ông thường xuyên túc trực tại di tích, lo quét dọn, bảo quản các hiện vật, đèn nhang, chăm sóc cây cảnh, giúp đỡ, hướng dẫn người dân địa phương và du khách khi đến dâng hương. Vào mùa mưa bão, một mình ông lo chằn chống, báo cáo địa phương bảo vệ di tích, các hiện vật, nhằm tránh hư hỏng. Tuy nhiên, mỗi tháng ông Dân chỉ được hỗ trợ 100 nghìn đồng.
 
Ông Nguyễn Lãnh trông coi Khu di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ (Nghĩa Hành), chỉ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Lãnh trông coi Khu di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ (Nghĩa Hành), chỉ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.
Nhiều năm qua, ông Nguyễn Hữu Mai (70 tuổi) đảm nhận việc trông coi Di tích đền Văn Thánh, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) và nhận được hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng. Ông Mai bảo, mức hỗ trợ dù còn quá ít, nhưng tôi vẫn duy trì công việc này, bởi một di tích bề thế được xây dựng không có ai trông coi thì sẽ rất nhanh hư hỏng, xuống cấp. “Về lâu dài, mong có cơ chế, chính sách quan tâm hỗ trợ những người tình nguyện bỏ công sức, tâm huyết chăm lo cho di tích tại các địa phương”, ông Mai kiến nghị.
 
Khá hơn những người trên, ông Nguyễn Lãnh - người trông coi Khu di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, ở tổ dân phố Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) được nhận phụ cấp từ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. "Hằng tháng, tôi nhận 1 triệu đồng. Dù không nhiều, nhưng tôi tình nguyện chăm lo di tích đến khi nào không còn đủ sức nữa thì thôi”, ông Lãnh chia sẻ.
 
Theo cán bộ phòng VH-TT huyện Nghĩa Hành Hà Thanh Quang, về mặt pháp lý, hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách phụ cấp cho người trông coi di tích. Một số đền, miếu, các cơ sở di tích do người dân tự nguyện trông coi, hương khói miễn phí. Với chế độ ít ỏi, nơi có nơi không, nên không thể đòi hỏi những điều kiện cơ bản từ người trông coi di tích như có sức khỏe tốt, có hiểu biết về di tích cũng như kiến thức bảo quản hiện vật... Khi xảy ra hư hỏng, mất mát cũng khó ràng buộc trách nhiệm cho các cá nhân này.
 
Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) Đặng Tấn Khôi thông tin, hiện tỉnh chưa có chính sách riêng cho người trông coi di tích. Phần lớn các di tích đều giao cho các địa phương quản lý. Đối với một số di tích do Sở VH-TT&DL quản lý, thì Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã hỗ trợ những người trông coi di tích, với mức 1 triệu đồng/tháng. 
 
Di tích là tài sản chung của cộng đồng, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa của cha ông cũng như mang ý nghĩa bồi đắp, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng cho nhân dân. Do đó, việc chăm lo đời sống cho những người trông coi di tích, ngoài ý nghĩa tri ân, còn là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích. 
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 
 

.