[Emagazine] Bông hồng tặng mẹ

10:03, 08/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Họ là những người mẹ, người vợ đảm đang trong gia đình và hết lòng với công tác của cộng đồng. Ở những người phụ nữ ấy luôn hội tụ lòng nhân từ, đức hy sinh và bản lĩnh vượt qua mọi gian khó, vươn lên trong cuộc sống.

 

Ngôi nhà của gia đình bà Đinh Thị Kim Phúc (56 tuổi) nằm trên con đường nhỏ ở thôn Bầu Sơn, xã Sơn Nham (Sơn Hà). Nhiều người biết bà Phúc không chỉ là nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Nham luôn tận tụy với công việc, mà còn là người có tấm lòng nhân ái, luôn giúp đỡ mọi người.
 
Cầm bàn tay của cô con gái nuôi Hồ Thị Phan, bà Phúc kể, hơn 20 năm trước, trong một lần điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong phòng của tôi có một bệnh nhân được các cháu nhỏ đến thăm rất đông. Tôi hỏi thăm mới biết là các cháu mồ côi đang được nuôi dạy tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Trong số những đứa trẻ thiếu may mắn ấy có cháu Hồ Thị Phan, người Cor, mồ côi cha mẹ, quê ở huyện Trà Bồng. “Trong lúc trò chuyện, tôi vô tình bắt gặp ánh mắt trong trẻo của cháu nhìn tôi. Lòng tôi tự nhiên quặn thắt, thương cháu không sao diễn tả được. Lúc ấy, tôi mong muốn được nhận nuôi cháu. Sau khi xuất viện, tôi nói mong ước của mình với chồng. Rồi vợ chồng tôi cùng xuống Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để làm thủ tục xin nhận cháu Phan làm con nuôi”, bà Phúc xúc động nói.
 
Dù đã có 2 đứa con và kinh tế không dư dả gì, nhưng vì tình yêu thương dành cho đứa trẻ mồ côi mà bà Phúc quyết tâm xin nhận Phan làm con nuôi. “Sau khi làm các thủ tục thì khoảng năm 2003, vợ chồng tôi được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chấp thuận trở thành cha mẹ nuôi của Phan. Thế nhưng, Phan vẫn được trung tâm tạo điều kiện nuôi dạy. Cứ vào dịp lễ, Tết, nghỉ hè thì Phan về thăm gia đình tôi. Đến khi đủ 18 tuổi, tốt nghiệp THPT, Phan về ở hẳn với gia đình tôi”, bà Phúc tâm sự.
 
Bà Phúc nhận nuôi Phan khi em mới là học sinh lớp 3 và năm nay Phan đã tròn 30 tuổi. Suốt hơn 20 năm qua, vợ chồng bà Phúc yêu thương và đối xử với Phan như con ruột của mình. “Tốt nghiệp THPT, tôi được cha mẹ cho đi học trung cấp y ở Quảng Ngãi như nguyện vọng của bản thân. Sau khi ra trường, cha mẹ lo tổ chức đám cưới cho tôi, rồi cho vợ chồng mảnh đất để làm nhà riêng và mấy sào đất rẫy. Từ khi được cha mẹ nhận nuôi, tôi rất hạnh phúc vì có một gia đình nhỏ để quay về, để được che chở. Ở đó, mẹ Phúc luôn dang rộng vòng tay vỗ về khi tôi gặp khó khăn hay thất bại. Nhờ có mẹ Phước mà tôi có thêm niềm tin và hạnh phúc trong cuộc sống”, chị Phan chia sẻ.
 
Gần 20 năm làm cán bộ hội phụ nữ, bà Phúc luôn tận tụy với công tác hội và cuộc sống của cộng đồng. Chính bà là người tuyên truyền, xây dựng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” và triển khai ở 6/6 thôn trong xã. Trung bình mỗi năm, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” thu về từ 300 - 500kg gạo. Số gạo này đã giúp không ít người dân trong xã vượt qua tình trạng "thiếu ăn mùa giáp hạt"; đồng thời san sẻ với hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
 
Năm 2021, bà Phúc về hưu nhưng vẫn không muốn nghỉ ngơi. Bà Phúc nuôi cả chục con trâu, cùng với chim bồ câu, gà, nhím... “Dù vợ chồng tôi đều có lương hưu, nhưng chúng tôi tâm niệm còn sức khỏe là còn lao động, để vừa có thêm thu nhập vừa là tấm gương cho các con và người dân học hỏi, phát triển kinh tế...”, bà Phúc chia sẻ.
  
Đã gần 30 năm trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Dậu (67 tuổi), ở thôn Quang Trung, xã Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn không bao giờ quên khoảnh khắc nghiệt ngã của cuộc đời mình. Khi ấy, bà Dậu tròn 40 tuổi và chồng bà qua đời sau một cơn bạo bệnh. Từ một người phụ nữ chỉ lo nội trợ, nhưng từ ngày chồng mất, bà Dậu trở thành trụ cột, làm đủ việc để nuôi các con ăn học. “Nỗi buồn chưa kịp lắng, thì việc chăm sóc các con đã choán hết tâm trí tôi. Tôi tự nhủ phải đứng dậy, trở thành điểm tựa cho các con. Bởi vậy, tôi không nề hà việc nào cả. Cứ có ai thuê làm gì thì tôi làm nấy. Tôi còn chăn nuôi heo, gà, làm bánh tráng để bán... Khi ấy, tôi làm việc gấp đôi, ba những người phụ nữ khác để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con học hành đến nơi đến chốn", bà Dậu tâm tình.
 
Bà Nguyễn Thị Dậu, ở thôn Quang Trung,xã Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn còn lưu giữ những tấm giấy khen của các con.             Ảnh: H. Thu
Bà Nguyễn Thị Dậu, ở thôn Quang Trung,xã Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn còn lưu giữ những tấm giấy khen của các con. Ảnh: H. Thu
Thấy mẹ một mình vất vả, lo toan cuộc sống nên các con của bà Dậu cũng cố gắng học tập và đỡ đần công việc nhà cho mẹ. Hiện nay, 2 người con của bà Dậu đều trưởng thành và có việc làm ổn định. Người con trai lớn của bà là kỹ sư, đang làm cho Tập đoàn Hòa Phát. Còn người con gái là cử nhân, hiện đang làm việc tại UBND xã Bình Dương (Bình Sơn).
 
Dù bận rộn mưu sinh, gánh trách nhiệm của cả người cha lẫn người mẹ, nhưng bà Dậu vẫn sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động, phong trào phụ nữ ở địa phương. Từ năm 2001 đến nay, bà là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Quang Trung. Hơn 20 năm gắn bó với công tác hội, bà Dậu xây dựng và duy trì nhiều mô hình hay, ý nghĩa, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn ở trong thôn...
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Chánh Nguyễn Thị Nhiều cho biết, bà Dậu là tấm gương phụ nữ tiêu biểu, điển hình ở địa phương về đức hy sinh, nghị lực vươn lên và lối sống đẹp. Không chỉ là người phụ nữ chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình, có trách nhiệm với con cái, mà bà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội.
  
Bước sang tuổi 56, bà Nguyễn Thị Bông, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đã có 35 năm đi biển cùng chồng. Ngày qua ngày, cứ 16 giờ chiều, sau khi chuẩn bị xong bữa cơm tối cho các con, bà Bông lại cùng chồng vác lưới ra tàu đi biển.
 
Bà Bông hồn hậu kể, từ đêm tới sáng, cứ nửa tiếng đồng hồ, tôi cùng chồng kéo lưới một lần. Kéo lưới, rồi gỡ cá hoài nên đôi bàn tay của phụ nữ thô ráp như đàn ông. Đó là chưa kể những bữa sóng lớn, dù đi biển quen rồi nhưng tôi vẫn bị say sóng, ăn cơm không nổi, rồi hễ đứng kéo lưới không vững là bị ngã luôn xuống biển. Mỗi lần như vậy, chồng phải nhảy xuống biển kéo tôi lên. Quần áo ướt mem, lạnh ngắt, 2 vợ chồng chỉ biết chờ gió biển thổi cho khô.
 
Thức trắng đêm để mưu sinh trên biển, nhưng kể cả khi về đến bờ, nữ ngư phủ Nguyễn Thị Bông cũng chưa chịu nghỉ ngơi, mà tiếp tục cuộc mưu sinh. “Khoảng 5 giờ sáng về đến bờ, tôi tiếp tục mang cá ra chợ bán, xong quay trở về nhà làm lưới cùng chồng. Làm lưới ở đây là ngồi vá, dặm lại những đoạn lưới rách, rồi gỡ những rong rêu dính trong lưới. Làm lưới xong, tôi tiếp tục lo cơm nước gia đình... Công việc cứ nối tiếp như thế, cả đêm lẫn ngày!”, bà Bông bộc bạch.
 
Đi biển từ lúc tròn đôi mươi, đến nay, bà Nguyễn Thị Hoạt, ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An đã gắn bó với nghề biển 40 năm ròng. Mấy mươi năm lênh đênh cùng sóng nước, bà Hoạt bảo mình không còn nhớ nổi số lần bị té ngã xuống biển. Song, chính lòng thương con, mong con có được cuộc sống đủ đầy, đã thôi thúc bà kiên trì đi biển cùng chồng. “Tàu nhà tôi đi gần bờ, cá đánh bắt được đâu có nhiều nhặn gì. Nên tôi nghĩ, nếu phải bỏ thêm tiền thuê người, thì có dư dả được mấy đồng đâu. Thành thử, từ lúc sắm được tàu, tôi vừa làm phụ nữ, vừa làm đàn ông. Ban ngày, tôi ở nhà cơm nước chu đáo cho con, còn từ đêm tới sáng, tôi dặn mình phải mạnh mẽ như đàn ông, để làm bạn thuyền cùng chồng ra khơi”, bà Hoạt cười bảo.
 
Hạnh phúc khi đi biển có đôi
 
Chị em phụ nữ ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An vẫn thường kể với nhau về chị Trần Thị Kim Hoa như một ngư dân đặc biệt. Bởi lẽ, dù đã gắn bó với nghề biển tròn 20 năm, nhưng chị Hoa vẫn luôn bị say sóng mỗi khi đi biển.
 
“Đàn ông có sức khỏe nên họ đi biển rất dễ dàng, chứ phụ nữ như mình khổ lắm. Giữa biển mênh mông, tàu nhỏ bị sóng lớn làm chao đảo liên tục, nên tôi cứ té ngã rồi ói suốt. Ông xã thấy vậy, bảo tôi ở nhà với con. Nhưng nghĩ cảnh chồng mình phải đi biển cực nhọc, rồi tiền sinh hoạt phí, tiền học của con, nên tôi quyết đi cùng chồng. Vợ chồng đi biển có đôi, cực khổ mấy cũng thấy vui”, nữ ngư phủ Kim Hoa cười hồn hậu.
 
Chia sẻ về niềm cảm kích khi được vợ đồng hành trong những chuyến vươn khơi, ngư dân Nguyễn Văn Bé, chồng của chị Hoa bảo, nghề biển đòi hỏi nhiều sức vóc, là công việc tưởng chừng chỉ có đàn ông mới cáng đáng nổi. Ấy thế mà vợ tôi đã luôn đồng hành cùng tôi. Tôi lái tàu, vợ giăng lưới. Chúng tôi đã cùng nhau lênh đênh trên biển giữa đêm tối, từ thời chưa có đèn pin, phải dùng tạm những cái đèn được biến tấu từ những lon sữa bò để thấy đường mà thả lưới cho đến tận bây giờ. "Nhờ có sự đồng cam cộng khổ của vợ mà chúng tôi mới có nhà, nuôi 2 con ăn học. Giờ, con đầu lòng của chúng tôi đã lớn và tự lo được cho mình. Tôi bảo vợ ở nhà cho đỡ cực, nhưng vợ vẫn tiếp tục đi biển cùng tôi. Những cố gắng đó của vợ, khiến tôi luôn thấy ấm lòng và hạnh phúc”, ông Bé nói.
 
Nội dung: HIỀN THU - Ý THU
Trình bày: L.H
 
 
 
Xuất bản lúc: 10:03, 08/03/2023