(Báo Quảng Ngãi)- Buổi trưa một ngày tháng 8/2022, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (67 tuổi) cập nhật thông tin, hình ảnh đang ở Tây Nguyên. Trời vừa chập tối, mưa lất phất, ông thông báo đã đến Quảng Ngãi khiến bạn bè, đồng nghiệp, học trò của ông không khỏi thán phục xen lẫn cảm động.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là vậy, ông luôn khiến người khác bất ngờ như câu tâm niệm “Không có gì là không thể” mà ông hay nhắc đến. Viết, vẽ, sáng tác, đi, gặp gỡ mọi người với lịch trình kín mít, dường như chẳng có gì ngăn được ông, dù trước đó ông đã trải qua một cơn bạo bệnh.
Tập tễnh đi xuyên Việt
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trở lại Quảng Ngãi lần này trong hành trình xuyên Việt mang tên “Xin một tuổi”. Trong lúc dừng chân nghỉ ngơi, ông tranh thủ lấy máy tính bảng để hoàn thiện bức chân dung về một nhà báo mới gặp tại Tây Nguyên. Hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã viết rất nhiều phóng sự thấm đẫm giá trị nhân văn về những phận người, để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Ông còn là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo xuất bản nhiều truyện thiếu nhi, tập thơ, giáo trình. Và giờ đây khi ở tuổi gần 70, ông tự gọi mình là họa sĩ... trẻ.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (bên phải, hàng thứ hai) cùng những người bạn tại Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: BÙI MAI |
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn khiến người khác chẳng bao giờ quên mình. Dường như thật trùng hợp sau những biến cố, ông luôn làm mới mình, đặt mình vào vai trò khác tươi mới hơn. Người ta thường nhớ đến ông trong vai trò nhà báo, lúc ông sắp nghỉ hưu, ông xuất bản thơ và được đông đảo công chúng đón nhận. Cả lúc nằm trên giường bệnh, ông vẫn miệt mài sáng tác từ những chất liệu, cảm hứng đơn giản xung quanh. Những tác phẩm của ông thể hiện góc nhìn riêng của một con người tài hoa, gửi gắm nhiều thông điệp, triết lý sâu sắc và luôn bám sát hơi thở thời sự của đời sống.
Người đa tài
Chuyến xuyên Việt “Xin một tuổi” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thật đặc biệt, khi những người tham gia đều đã... luống tuổi. Ông đi cùng hai người bạn từng lớn lên tại khu tập thể báo Nhân Dân ở Hà Nội. Tình bạn đến nay đã ngót nghét gần bằng tuổi đời của họ.
Sau cơn bạo bệnh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn không ngừng sáng tác, vẽ tranh... Ảnh: NVCC |
Bước thấp bước cao, ông đi xuyên Việt từ TP.Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên, rồi xuống miền Trung, ra miền Bắc. Giọng nói vẫn đầy lạc quan và pha chút hài hước, tếu táo của một người luôn dấn thân, háo hức trải nghiệm. Ông nói rằng, càng gần... xuống đất mới thấy mọi nơi trên trái đất đều là thiên đường. Vừa xong hoạt động triển lãm, ông đến tỉnh, thành phố khác để giảng dạy, giao lưu với sinh viên báo chí. Trong vòng 6 tháng, ông đã đến 16 tỉnh, thành phố, khiến nhiều người nể phục tinh thần, ý chí mạnh mẽ của ông. Và một điều ít ai biết rằng, đằng sau một nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nổi tiếng là người luôn sợ làm mất lòng người khác và trĩu nặng tâm tư, nếu có lỡ làm phiền ai đó.
Cơ duyên thân tình với Quảng Ngãi
Không phải đến khi làm rể Quảng Ngãi, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mới có cơ duyên gắn bó với Quảng Ngãi. Hành trình làm báo chuyên nghiệp của ông đã bắt đầu từng những ngày thực tập tại báo Nghĩa Bình. Trước đây, Nghĩa Bình gồm hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Ông vẫn nhớ mãi kỷ niệm năm 1981, trong thời gian thực tập, ông đi tàu hỏa ra Quảng Ngãi để viết bài về xí nghiệp dược. Đó là tác phẩm đầu tiên ông viết về Quảng Ngãi. Đến dịp Tết, ông viết thêm một bài ký về Quảng Ngãi trong số báo Xuân. Những người ở tòa soạn bảo, viết thế này thì còn thực tập gì nữa. Sau đợt ấy, Tổng Biên tập báo Nghĩa Bình bảo ông ở lại làm việc.
Trong chuyến xuyên Việt bằng xe máy năm 1995, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã viết bài về 3 người họ Hồ ở Quảng Ngãi. Đó là Anh hùng Lao động Hồ Giáo, ông Hồ Thành Công (nhà thơ Thanh Thảo) và họa sĩ Hồ Thu. Sau khi bài báo về Anh hùng Lao động Hồ Giáo đăng, có những mạnh thường quân đã hỗ trợ xây nhà. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận được 3 lá thư cảm ơn của ông Hồ Giáo. “Ba lá thư viết tay bằng mực đỏ trên giấy học sinh và đầy lỗi... chính tả, khiến tôi nhớ mãi và rất quý tình cảm chân thành của ông Hồ Giáo”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể. Sau này, khi làm rể Quảng Ngãi, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân càng có thêm cơ duyên gắn bó với vùng đất này. Ông thân với nhiều người bạn, văn nghệ sĩ ở quê vợ là TX.Đức Phổ. Lần nào về Quảng Ngãi, ông và mọi người nhất định phải gặp nhau hàn huyên, trò chuyện.
Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ mãi câu chuyện bạn bè ai cũng vừa buồn cười vừa phục ông khi lần đầu về quê Quảng Ngãi một mình để hỏi vợ. Dịp đó, ông đã rủ nhà báo Trần Đăng đi cùng cho bớt... run. Đi khắp mọi miền Tổ quốc, gặp nhiều người, ông nói ông rất thương yêu, ấn tượng quê vợ vì người Quảng Ngãi mộc mạc, hiếu khách. Khi Quảng Ngãi trải qua cơn bão lũ lớn vào cuối năm 2020 đã khiến ông cay mắt, mất ngủ. Những cảm xúc trong ông được thể hiện thành lời thơ cảm động. “Nhà mình tốc mái rồi/ Tin nhắn sáng nay vỏn vẹn thế thôi/ Mà cay mắt những người con xa xứ/ Đêm qua mất ngủ/ Chờ tin bão từ quê...”.
Có một điều thật thú vị, quê cha nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ở Bến Tre, mẹ quê Kiên Giang. Ông được sinh ra tại Thanh Hóa vào năm 1955, trên đường cha mẹ tập kết ra Bắc. Ông lớn lên tại Hà Nội, sau này chuyển về TP.Hồ Chí Minh làm việc, sinh sống. Và Quảng Ngãi, nơi khúc ruột của cả nước, là cơ duyên thân tình mà ông luôn gắn bó.
BẢO HÒA