(Báo Quảng Ngãi)- Sau 30 năm, có những ước mong của người dân đất đảo đã thành hiện thực. Ai cũng vui mừng trước sự đổi thay của quê hương.
[links()]
Những ngày đầu tháng Chạp này, không khí đón xuân ở đảo tiền tiêu đã bắt đầu nhộn nhịp. Tết năm nay dường như đến sớm hơn, bởi địa phương đang tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật; trang trí những tuyến đường rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Lý Sơn. Trong niềm hân hoan, rạo rực ấy, lòng người cũng phấn khởi, tự hào. Sinh ra và gắn bó với quê hương gần 80 năm, ông Ngô Văn Hào, ở thôn Tây An Vĩnh cảm nhận rất rõ những gian khó và sự thay đổi của quê hương.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, những nét văn hóa truyền thống được người dân Lý Sơn gìn giữ và phát huy. |
Đến với từng gia đình ở Lý Sơn hôm nay, có một điều dễ nhận thấy là trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang đều có những vật dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống và giải trí hiện đại như ti vi, tủ lạnh, bếp điện, máy điều hòa... Một cuộc sống đủ đầy, hiện đại đã hiện diện trong từng gia đình - điều mà gần 10 năm về trước, họ chưa từng nghĩ đến. Điều đó có được là nhờ lưới điện quốc gia đã kéo ra đảo vào năm 2014. Hơn 20 nghìn dân đã được "thắp sáng ước mơ" bao đời nay, mở ra nhiều hy vọng của người dân đất đảo. Nhắc về sự kiện này, ông Nguyễn Sự (67 tuổi), ở thôn Tây An Vĩnh nói rằng, ngày dự án được triển khai, nhiều người không thể tin được lưới điện quốc gia có thể kéo xuyên biển như thế. Đến nay thì điện đã giúp cuộc sống của người dân Lý Sơn đổi thay hoàn toàn.
Trong câu chuyện bứt phá vươn lên sau 30 năm của Lý Sơn, không ít người dân bày tỏ niềm tự hào, bởi họ cũng đồng hành, góp phần vào sự phát triển của quê hương mình. Ông Nguyễn Thới, một trong những người đầu tiên của huyện kinh doanh dịch vụ lưu trú kể, trước năm 2010, tôi đầu tư xây dựng một dãy phòng ở để cho thuê. Lúc bấy giờ điện chưa có, nên việc đầu tư sơ sài, chủ yếu phục vụ những người ra buôn bán làm ăn. Cứ nghĩ trong điều kiện đặc thù ở đảo, nên mình cũng hài lòng với việc cho khách thuê. Thế nhưng, chỉ ít năm sau, lượng người đến Lý Sơn tăng nhanh. Sau đó, điện lưới ra đảo, tôi đã đập bỏ dãy phòng cũ và đầu tư vốn để xây dựng cơ sở khang trang hơn, phục vụ du khách đến với địa phương. Du lịch đã tạo điều kiện cho nhiều người dân trên đảo chuyển đổi nghề nghiệp và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.
Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, người dân Lý Sơn không giấu được hạnh phúc khi quê hương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trên hòn đảo thơ mộng, cuộc sống ấm no của người dân đã hiện hữu. Đó cũng là động lực, nền tảng để Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân nơi đây đoàn kết, chung lòng xây dựng đảo tiền tiêu trở thành đô thị hiện đại, văn minh trong tương lai.
Bài, ảnh:
X.BẢO