Tấm lòng người Mẹ

09:01, 08/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng. Nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang...”. Mỗi lần giai điệu của bài hát “Người Mẹ của tôi” cất lên, ai cũng thấy mắt mình cay cay, bởi hình ảnh những người Mẹ đó như những tượng đài hiện lên sừng sững.
 
 
Những người Mẹ kiên trung
 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Giỏi chia sẻ những ký ức về chồng, con của mình.     ẢNH: X.HIẾU
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Giỏi chia sẻ những ký ức về chồng, con của mình. ẢNH: X.HIẾU
Đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Thuận vào một ngày cuối năm, tuy những nếp nhăn in hằn bóng thời gian, nhưng gương mặt Mẹ vẫn mang nét rắn rỏi của người phụ nữ miệt biển. Mẹ Thuận năm nay đã bước sang tuổi 98, cái tuổi trải gần thế kỷ khiến Mẹ bắt đầu nhớ nhớ, quên quên nhiều thứ, duy chỉ có nỗi đau về 2 người con đã hy sinh là Mẹ vẫn day dứt trong lòng.
 
“Ra đi phải giữ lời thề/ Làm tròn nghĩa vụ mới về quê hương”, các con đã tròn nghĩa vụ với nước non nhưng đã vĩnh viễn không trở về với Mẹ. Mẹ Bùi Thị Thuận có 2 người con đi bộ đội, năm 1968 mẹ nhận tin người con trai thứ 4 - anh Phạm Ngung hy sinh tại khu vực cầu Trà Khúc, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Ông Phạm Tuấn - con trai Mẹ Thuận nhớ lại, Mẹ tôi khóc nhiều lắm, bà ngồi ở cửa mặt hướng về phía biển bảo, có khi anh Ngung đã trôi ra biển rồi. Đến năm 1974, anh trai cả hy sinh trong một trận càn, để lại vợ và 2 đứa con thơ. Lúc này, Mẹ cũng không nói gì ngoài nước mắt.
 
Nhớ về những đứa con thân yêu, Mẹ Thuận lại nghẹn ngào, cả 2 đứa đều còn trẻ, gầy gò nhỏ xíu. Thời xưa khổ, nhà lại đông người nên chỉ có bữa cơm độn củ, mắm cá. “Mẹ chỉ ước hồi đó 2 thằng chụp được tấm hình để khi nhớ chúng nó Mẹ có cái xem, giờ già cả rồi, mặt chúng nó Mẹ cũng đã quên mấy phần...”, Mẹ Thuận bảo. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Mẹ Thuận vẫn đau đáu nỗi thương con. 
 
Quảng Ngãi hiện có 200 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, các Mẹ đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Cả cuộc đời các Mẹ đã hy sinh, nén nỗi đau vào trong lòng để sống. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cùng với quà Tết của Chủ tịch nước, của tỉnh, các tổ chức đoàn thể cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các Mẹ.

Người già thường sống bằng ký ức. Có những phần ký ức đã bị xóa mờ bởi tuổi tác và thời gian, nhưng ký ức về chồng và người con trai yêu quý ra đi vì nghĩa lớn vẫn luôn thường trực trong Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Giỏi (91 tuổi), ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ). Trong kháng chiến chống Mỹ, Mẹ Giỏi cùng chồng tham gia cách mạng. Rồi chồng Mẹ - ông Huỳnh Tròn bị bắt và bị xử bắn vào năm 1968. Đến năm 1972, con trai Huỳnh Tấn Hai hy sinh trong một trận càn. Mẹ bảo điều Mẹ tiếc nuối nhất trong đời là không gặp được thằng Hai lần cuối. “Bởi khi nó về thăm thì Mẹ lại đang bị địch bắt giữ. Nó không kịp chờ Mẹ về mà đã hy sinh...”, Mẹ Giỏi bùi ngùi nhớ lại. Nén nỗi đau vào lòng, Mẹ Giỏi vẫn ngày đêm bám trụ cơ sở, nuôi giấu cán bộ và chăm các con thơ cho đến ngày đất nước thống nhất...

 
Mùa xuân của Mẹ
 
Trong sớm xuân nay, Mẹ Giỏi lại thắp nén hương nói chuyện với chồng và con trai mình. Mẹ bảo, Tết là dịp để cả nhà được đoàn tụ. Hai cha con hy sinh trước ngày giải phóng nên chưa được hưởng cái Tết khi đất nước độc lập, tự do. Thế nên mấy ngày này, Mẹ thắp nén nhang để mong cả 2 trở về tận hưởng mùa xuân hòa bình. Mẹ Giỏi bảo, Mẹ không biết sống thêm bao nhiêu mùa xuân nữa, nhưng nghĩa cử trọn tình, trọn nghĩa của Đảng, Nhà nước Mẹ luôn ghi tạc trong lòng.
 
Ở tuổi xế chiều, niềm vui của Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Thuận là được sum vầy cùng cháu chắt của mình.      ẢNH: X.HIẾU
Ở tuổi xế chiều, niềm vui của Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Thuận là được sum vầy cùng cháu chắt của mình. ẢNH: X.HIẾU
Bên chén trà ấm trong ngày đầu xuân nơi xóm biển, Mẹ Thuận chia sẻ những câu chuyện, niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày như con trai Mẹ đi biển được lắm, vài tháng lại có đoàn đến thăm hỏi sức khỏe của Mẹ, rồi Mẹ cười khoe thằng chắt trai vừa tròn 5 tuổi, trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn lắm. “Mẹ bảo thằng bé giống con trai đã hy sinh của Mẹ, nên Mẹ thương nó lắm. Bà cháu cứ quấn lấy nhau suốt, một già một trẻ nói chuyện với nhau. Vui hơn Tết!”, bà Huỳnh Thị Ngọc, con dâu mẹ Thuận, cười hạnh phúc.
 
XUÂN HIẾU
 
 

.