(Báo Quảng Ngãi)- Để góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện Bình Sơn đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo". Các mô hình dân vận khéo tại cơ sở đã mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa trên nhiều lĩnh vực.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Dân vận khéo” trong dồn điền, đổi thửa
Những cánh đồng lúa ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) trước kia có nhiều ô thửa, manh mún, thì nay đã trở thành một cánh đồng lớn, với hệ thống giao thông nội đồng bài bản. Ban đầu, công tác vận động gặp không ít khó khăn vì chất lượng ruộng không đồng đều nên một bộ phận người dân sợ khi dồn điền đổi thửa (DĐĐT) thì nhận phải ruộng xấu.
Vì vậy, cán bộ hội nông dân thường xuyên phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương kiên trì tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu việc DĐĐT là để khắc phục tình trạng ruộng manh mún, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cơ giới hóa các khâu sản xuất.
Nhờ dồn điền đổi thửa mà việc sản xuất của người dân ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) được thuận lợi. |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hiệp Nguyễn Tấn Trường cho biết: "Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung và DĐĐT nói riêng phải thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”. Để đảm bảo tính dân chủ, công bằng, người dân xã Bình Hiệp thống nhất không chia ruộng bằng hình thức bốc thăm, mà để họ tự chọn vùng đất phù hợp với khả năng và kế hoạch sản xuất, từ đó vừa bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa nâng cao đời sống người dân".
Ông Mai Văn Nghị, ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp chia sẻ: "Khi xã thực hiện DĐĐT, đồng ruộng không còn manh mún nên việc chăm sóc, thu hoạch đều thuận lợi. Thêm vào đó, đường, kênh mương nội đồng được mở rộng nên chúng tôi rất vui".
Nhờ làm tốt công tác vận động, đến nay huyện Bình Sơn có 16/22 xã, thị trấn cơ bản hoàn thành việc DĐĐT. Sau DĐĐT, huyện xây dựng một số cánh đồng lớn và cơ giới hóa khâu làm đất, gieo cấy đồng trà, đồng thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất khép kín nhằm giảm chi phí, tăng giá trị nông sản...
Nhiều mô hình hay
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Bình Sơn đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao là việc làm thường xuyên ở các cấp hội. Điển hình như mô hình trồng chanh tại xã Bình Thanh, “chăn nuôi tổng hợp” tại xã Bình Phước, “nuôi ốc hương xen hải sâm” tại xã Bình Châu... đang mang lại hiệu quả. Đến nay, huyện Bình Sơn có hơn 50 mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân ở huyện Bình Sơn đã xây dựng nhiều mô hình về phòng, chống tội phạm. Điển hình như mô hình: Thắp sáng đường quê, tổ an ninh trật tự, tổ tự quản phòng, chống tội phạm, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội... Với 25 mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn khu dân cư.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn Nguyễn Thị Tố Nga cho biết: Phát huy những kết quả của phong trào "Dân vận khéo", thời gian tới huyện sẽ duy trì và nhân rộng những mô hình thiết thực, những cách làm hay, sáng tạo của Hội Nông dân các cấp nhằm huy động mọi nguồn lực trong dân tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN