(Báo Quảng Ngãi)- Xã Bình Dương (Bình Sơn), quê hương của nhà thơ Tế Hanh, vẫn là làng quê “cách biển nửa ngày sông”, vẫn những con người bình dị chân chất... nhưng làng quê ấy nay đã khoác lên mình "chiếc áo mới".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thay đổi sắc diện nông thôn
Khoảng chục năm trước, nhắc đến xã Bình Dương, nhiều người vẫn thường nghĩ đến vùng cù lao một bên sông, một bên biển, cuộc sống của người dân còn nhiều gian khó. Nay trở lại, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở miền quê này. Các con đường làng đều được bê tông sạch đẹp. Nhiều ngôi nhà cao tầng "mọc lên".
Dáng dấp của một làng quê trù phú hiện rõ... Lãnh đạo xã Bình Dương cho biết: Đến nay, toàn xã đã đầu tư nhựa hóa, bê tông 29km đường giao thông nông thôn, các tuyến đường trục chính nội đồng đều được cứng hóa. Cây cầu Bà Dầu vững chãi, kiên cố được đưa vào sử dụng, kết nối giao thông thuận lợi...
Trẻ em đọc sách báo tại Nhà văn hóa thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn). |
Nói chuyện xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân nơi đây rất hào hứng. Ông Nguyễn Văn Viên, ở thôn Đông Yên cho hay: "Người dân đồng thuận cao với chủ trương xây dựng nông thôn mới vì thấy được lợi ích chung. Đây là chủ trương hợp với lòng dân, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân".
Vào năm 2014, Bình Dương là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Minh Huấn cho hay: Để bứt phá đi lên, xã đã mở hướng trong phát triển kinh tế. Đầu tiên là dồn điền đổi thửa, rồi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá, chất lượng cao.
Đến nay, 380ha đất nông nghiệp của xã đã được dồn điền đổi thửa; người dân chuyển đổi 180ha ruộng lúa nước không hiệu quả sang canh tác rau màu. “Năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao sau khi dồn điền đổi thửa. Thu nhập bình quân trên 1ha trồng rau màu là 400 triệu đồng/năm, góp phần tạo thu nhập ổn định và làm giàu cho nhiều hộ gia đình trong xã”, ông Huấn hồ hởi cho biết.
Xã Bình Dương còn phát triển ngư nghiệp với 46 chiếc ghe rỗi, hành nghề thu mua hải sản trên biển, với khoảng 1.000 tấn/năm; trên 200 lao động tham gia đánh bắt hải sản xa bờ. Ở xã còn có 49ha ao hồ thả nuôi tôm 2 vụ, mỗi năm thu hoạch trên 120 tấn.
Chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại - dịch vụ, nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến nay, tổng giá trị sản xuất hằng năm của xã đạt hơn 200 tỷ đồng; 96% lao động trong độ tuổi có việc làm ổn định, hộ nghèo chỉ còn 3,4%...
Nâng cao đời sống tinh thần
Không chỉ phát triển kinh tế mà đời sống tinh thần của người dân ở xã Bình Dương cũng được nâng cao. Vào mỗi buổi chiều ở Nhà văn hóa thôn Mỹ Huệ 1 (xã Bình Dương), từng nhóm trẻ đọc sách trong thư viện, thanh niên thì chơi cầu lông, bóng bàn, bóng đá, người già cùng nhau đánh cờ...
Nhà văn hóa còn được đầu tư thiết bị Internet, hệ thống wifi và thiết bị, dụng cụ thể thao để phục vụ nhu cầu của người dân. “Cuối ngày, nhà văn hóa đông người lắm. Bà con hàng xóm gặp gỡ nhau, các cháu nhỏ cũng có chỗ vui chơi rộng rãi”, chị Trần Thị Lệ, người dân trong thôn cho biết.
Ông Đỗ Minh Huấn bảo rằng: Nhà văn hóa là không gian để người dân giao lưu, giải trí, vì vậy chính quyền địa phương quan tâm đầu tư và đã phát huy hiệu quả. Xã có nhà văn hoá, khu thể thao; tất cả 6 thôn và 11 khu dân cư đều có nhà hội họp được đầu tư xây dựng khang trang. Một tin vui nữa đối với xã Bình Dương, đó là thôn Mỹ Huệ 1 đã được công nhận là thôn NTM kiểu mẫu của tỉnh.
Chiều đến, chúng tôi dừng chân nơi chợ Hôm, hoa viên mini nằm ở góc sông quê, cạnh cầu Bà Dầu. Nơi đây cứ như một điểm hẹn chốn làng quê với rất đông người dân đến nghỉ mát, trò chuyện. Quang cảnh làng quê nơi đây yên bình đến lạ, làng quê "cách biển nửa ngày sông" vẫn là một làng quê rất đặc biệt là thế đó!