Người thầy giáo hết lòng vì học trò

09:04, 28/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Không giàu có để hỗ trợ tiền cho các em học trò nghèo, nhưng hơn 10 năm qua, thầy giáo Phạm Tô Ninh, thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) đã làm từ thiện theo cách riêng của mình để giúp đỡ những học sinh khó khăn tại nơi mình giảng dạy.
"Người cha đặc biệt"
 
Xuất thân từ gia cảnh khó khăn, cha mất sớm, tuổi thơ của thầy Phạm Tô Ninh sớm chịu bao vất vả, nhọc nhằn. Điều đó càng bồi đắp thêm lẽ sống biết yêu thương, chia sẻ với mọi người. Và rồi, ước mơ được trở thành thầy giáo từ lúc còn ngồi ghế nhà trường đã dẫn lối thầy đến với nghề giáo. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, thầy được phân công về giảng dạy tại Trường PTDTBT THCS Trà Thọ, huyện vùng cao Tây Trà.  
 
Ngày ấy, Tây Trà thật xa xôi và hẻo lánh, đường sá đi lại rất khó khăn nhưng đó không phải là điều khiến thầy trăn trở. “Bọn trẻ con ở đây, cơm không đủ ăn, áo không có mặc, luôn nghỉ học mỗi khi trời mưa gió. Mà nếu có đến lớp thì các em chỉ mặc tấm áo mỏng, chân trần lấm đất. Chính điều đó, thôi thúc bản thân phải làm một điều gì đó để bù đắp cho các em", thầy Ninh trải lòng. 
 
Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, thầy quyết định lên “phây” trải hết lòng mình về những thiếu thốn của học trò. Thầy bắt đầu chia sẻ những hình ảnh ghi lại cuộc sống, sinh hoạt của những hộ gia đình có gia cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ lên facebook gửi đến cộng đồng mạng.
 
Thầy Phạm Tô Ninh trao tiền giúp đỡ gia đình em Hồ Thị Bé ở xã Trà Thọ, huyện Tây Trà.
Thầy Phạm Tô Ninh trao tiền giúp đỡ gia đình em Hồ Thị Bé ở xã Trà Thọ, huyện Tây Trà.
 
Hoàn cảnh của hai anh em Hồ Thị Bé ở thôn Tây, xã Trà Thọ (Tây Trà) hết sức khó khăn. Em Bé mồ côi cha từ nhỏ. Năm học 2014-2015, hai anh em Hồ Thị Bé  phải xin nghỉ học vì mẹ bị bệnh nặng. Thương hoàn cảnh của em, thầy Ninh thường xuyên tranh thủ thời gian đến thăm gia đình, khi thì hỗ trợ bao gạo, khi thì hỗ trợ tấm chăn mùa đông từ số tiền đóng góp mà thầy đã kêu gọi từ các thầy cô giáo trong trường.
 
Đáng quý, nhờ sự vận động "dài hơi" của thầy mà anh em Bé đã được đỡ đầu dài hạn và tiếp tục đi học. Cuối năm 2014, ngôi nhà gỗ của mẹ con Hồ Thị Bé được sửa chữa khang trang, kiên cố với số tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm mà thầy Ninh đã kết nối qua Facebook. 
 
10 năm gắn bó với học trò là người đồng bào ở huyện miền núi Tây Trà, một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, thầy Ninh cũng không nhớ hết mình đã giúp đỡ bao nhiêu trường hợp. Thầy chỉ biết, ngoài anh em Hồ Thị Bé thì học trò của thầy đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, họ rất cần sự chung tay giúp đỡ hay những sự sẻ chia dù là nhỏ bé nhất. 
 
Cứ thế, với suy nghĩ là tìm đến người nghèo, biết đâu họ đang cần đến mình, biết đâu mình sẽ giúp được họ vượt qua khó khăn mà thầy đã chắp cánh cho bao đứa trẻ vùng cao ước mơ và kiến thức để trở thành người có ích cho xã hội. 
 
Và những dòng tâm sự “Thầy là một thầy giáo tốt và ấm áp, thầy tựa như người cha của chúng em những người con đồng bào vùng cao" mà tôi tình cờ thấy được trên "phây" của thầy càng khiến tôi nể phục và kính trọng thầy. Thầy Ninh đã đi vào trái tim người đồng bào một cách rất tự nhiên, hình ảnh một người thầy tận tụy, hết mình thương yêu học trò và nhiệt huyết với công tác từ thiện. 
 
Đam mê làm thiện nguyện
 
Năm 2017, thầy được luân chuyển về quê nhà, giảng dạy ở Trường THCS Trần Văn Trà, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Là một giáo viên, thời gian rãnh rỗi không nhiều, thế nhưng hành trình đến với người nghèo của thầy chưa bao giờ nghỉ ngơi.
 
"Mỗi nhân vật, mỗi gia đình mà mình chia sẻ lên “phây” là một câu chuyện đầy nước mắt. Nghèo khó, bệnh tật, bất hạnh đeo bám cuộc đời họ từ năm nay qua năm kia. Mình chỉ muốn góp một phần nhỏ bé bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm, các nhà báo viết bài chia sẻ gánh nặng cuộc sống với gia đình họ", thầy Ninh giải bày.
 
Những học trò nghèo hiếu học Trường THCS Trần Văn Trà (xã Tịnh Long, Tp. Quảng Ngãi) luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của thầy Phạm Tô Ninh.
Những học trò nghèo hiếu học Trường THCS Trần Văn Trà (xã Tịnh Long, Tp. Quảng Ngãi) luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của thầy Phạm Tô Ninh.
 
Như trường hợp gia đình em Hồ Văn Đô, ở thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) hoàn cảnh gia đình rất khó khăn: Em Hồ Văn Đô mồ côi cha từ nhỏ, người mẹ Hồ Thị Kim Liên thì bị bệnh thoái hóa cột sống, người bà Cao Thị Phận thì tuổi đã ngoài 80 phải sống phập phồng dưới mái nhà đã bị hư hỏng nặng.
 
Xuất phát từ tình thương, thầy “gõ cửa” từng đơn vị tổ chức công đoàn, doanh nghiệp để xin nguồn hỗ trợ, giúp đỡ gia đình em sửa chữa lại ngôi nhà. 'Trước đây, mái nhà được lớp tôn đều dột nát, tôi luôn trong tâm trạng lo lắng, không biết khi nào mái nhà sẽ sập xuống. Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy Ninh không biết đến bao giờ gia đình tôi mới lợp lại được mái nhà kiên cố", chị Liên bộc bạch. 
 
Gia cảnh em Hồ Văn Đô lại thiếu thốn đủ bề. Mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình chỉ phụ thuộc vào tiền trợ cấp xã hội hàng tháng 850 nghìn đồng. Nhìn bữa ăn của gia đình em chỉ có chút cơm trắng với nước canh rau khoai mà chạnh lòng. Thầy lại ngỏ lời xin kêu gọi sự chia sẻ của nhiều nhóm thiện nguyện trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn.
 
Quả thật hiếm có người như thầy Ninh, ngoài dành hết nhiệt huyết với nghề giáo thì niềm đam mê thiện nguyện như một phần của cuộc sống. Cứ ngoài giờ dạy trên lớp, thầy Ninh lại lặn lội đi xác minh những trường hợp nghèo khó, rồi viết bài về chính những nhân vật mà ông giúp gửi lên cộng đồng mạng để xin tiền từ thiện cho họ.
 
Nhiều người ở xa đọc được câu chuyện về nhân vật có hoàn cảnh khó khăn lại gọi điện về cho thầy xác minh rồi không ngần ngại chuyển tiền về nhờ thầy đưa giúp. Họ còn bảo "nếu là thầy giáo nói thì họ hoàn toàn tin tưởng". Thôn Tăng Long, xã Tịnh Long có 4 trường hợp khó khăn nhờ thầy kêu gọi mà các nhà hảo tâm tháng nào cũng tài trợ cho mỗi trường hợp 400 nghìn đồng.
 
Khơi gợi niềm đam mê học tập
 
Những hoàn cảnh khó khăn, cơm không đủ ăn ngày ba bữa thì để các em đạt kết quả tốt trong học tập là rất khó. Với suy nghĩ đó, thầy Ninh mới nảy ra ý tưởng nhận dạy kèm miễn phí ngay tại nhà. “Thời gian đầu tôi phải đi vận động từng phụ huynh học sinh để cho các em tới lớp học. Có nhiều em sức học yếu nhưng không muốn đến lớp nên tôi lại phải ghé thăm gia đình thường xuyên. Sau các em cũng chịu đến lớp. Mỗi buổi học khoảng 2 tiếng đồng hồ nhưng cũng giúp các em học tốt hơn”, thầy Ninh chia sẻ.
 
Vất vả là thế, lạ thay, người thầy giáo trẻ này còn tình nguyện dạy thêm, bổ sung kiến thức cho những các em tại chùa Khánh Vân (xã Bình Tân, Bình Sơn). Học trò của lớp học tình thương này hầu hết là các em nhỏ có gia đình làm nông, thu nhập thấp và những đứa trẻ kém may mắn, bất hạnh. 
 
Thầy Ninh bày tỏ: "Mình đã dạy cho các em nơi đây từ hè năm ngoái. Lớp học đã mang lại nhiều lợi ích cho các em cũng như cho chính mình, nó giúp mình có thêm những kinh nghiệm, tự tin hơn khi đứng lớp". Một tuần hai buổi thầy lặn lội trên 5 cây số từ TP.Quảng Ngãi về chùa chỉ để cùng các thầy cô giáo khác mang hết sức trẻ, sự nhiệt huyết và kiến thức của mình để thắp lên hy vọng cho những học trò "đặc biệt" này.
 
Thầy Phạm Tô Ninh luôn là tận tâm với nghề và hết lòng vì học trò nghèo.
Thầy Phạm Tô Ninh luôn là tận tâm với nghề và hết lòng vì học trò nghèo.

Trước nghĩa cử của thầy Ninh, thầy giáo Đỗ Việt Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Trà cho biết: Thầy Phạm Tô Ninh là một giáo viên có tâm huyết, yêu nghề và hết lòng vì học trò, nhất là các em học sinh nghèo khó. Những việc làm của thầy đang tạo nên sự lan tỏa về hành động đẹp, có ích cho cộng đồng. 

Nói về dự định của mình, thầy Phạm Tô Ninh cho biết, ước muốn lớn nhất của mình là kêu gọi tập hợp được những thầy giáo, cô giáo là đồng nghiệp và lập thành một nhóm thiện nguyện bền vững để ủng hộ dài hơi về tiền bạc, vật chất nhằm chia sẻ khó khăn với những gia đình, học sinh có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
 
Nhìn nụ cười hiền hậu của thầy, chúng tôi cảm nhận được những điều tốt đẹp mà thầy đã và đang mang đến cho những em học sinh khó khăn. Chúc cho những việc làm thiện nguyện của thầy sẽ được “chắp cánh” để lan tỏa yêu thương và chúc cho nhóm thiện nguyện mà thầy ấp ủ sẽ sớm thành hiện thực.
 
Bài, ảnh: P.TIÊN

.