(Báo Quảng Ngãi)- Hàng trăm hộ dân nằm trong diện được nhận tiền đền bù của Dự án hồ chứa nước Nước Trong ở các thôn Tây, Tre, Nước Biếc xã Trà Thọ (Tây Trà) trở thành con nợ của các đối tượng cho vay nặng lãi. Nhiều hộ dân sau khi nhận đền bù, hỗ trợ đã phải “phủi tay” vì nợ nần, khi trước đó đã mạnh tay vay tín dụng đen, với lãi suất lên đến 50%.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giao ước bằng... miệng
Nằm cách xa trung tâm xã, thôn Tre và Nước Biếc vẫn còn thiếu thốn đủ đường. Bao năm rồi, con đường dài hun hút dẫn về đây vẫn bùn đất nhẫy nhụa. Bởi vậy, có lạc quan mấy cũng khó hy vọng cuộc sống của người dân nơi đây sẽ khá lên, nếu như những cơ sở vật chất thiết yếu vẫn chưa được Nhà nước đầu tư. Song, có một "luồng gió mới" mà đồng bào Cor ở vùng đất khó này hy vọng, đó là khoản tiền lớn đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân nằm trong vùng Dự án hồ chứa nước Nước Trong. Có người sau nhiều đợt nhận tiền đền bù, hỗ trợ lận lưng cả tỷ đồng. Người thấp nhất cũng xấp xỉ 50 triệu đồng.
Một góc khu tái định cư Nước Biếc, xã Trà Thọ. |
Đến nhà ông Hồ Văn Nam, ngụ tổ 1, thôn Nước Biếc, tôi gặp lúc cả gia đình ông quây quần ấm áp bên mâm cơm trong những ngày mưa rừng xối xả. ông Nam bảo, đợt vừa rồi nhà mình nhận được 700 triệu tiền đền bù, hỗ trợ từ dự án. Trước đó cũng không vay mượn của ai, vậy nên nghe lời cán bộ ông gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng hết rồi. Giờ cái bụng yên tâm, khi số tiền lãi hằng tháng đủ gia đình trang trải.
Về vấn đề này, huyện cũng mới nghe thông tin báo cáo từ xã Trà Thọ. Việc vay vốn giữa người dân và các đối tượng cho vay cũng chỉ thỏa thuận ngầm với nhau chứ không có thủ tục giấy tờ gì. Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho lực lượng Công an huyện xác minh, điều tra tìm hiểu và có hướng xử lý. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà HOÀNG NHƯ LÂM |
Đáng tiếc là những người sử dụng tiền “chắc bắp” như ông Nam không nhiều. Tôi gặp anh Hồ Văn Khánh ngụ tổ 4, thôn Nước Biếc lúc anh đang ngồi bó gối trước hiên nhà. Bắt chuyện với anh hồi lâu, anh Khánh miễn cưỡng nói, chiếc xe máy vừa bị chủ nợ lấy luôn rồi, giờ chẳng biết đi đâu.
Cứ vài ngày là chủ nợ lại đến, nghĩ đến chủ nợ thôi bụng dạ đã cồn cào lo sợ lắm rồi. Hỏi anh Khánh đã vay bao nhiêu, anh bảo không nhớ, nhưng lần vay ít nhất là 7 triệu, nhiều nhất là 50 triệu đồng. "Vì họ nghe nhà mình nằm trong diện được nhận tiền đền bù, vậy là họ đến đưa tiền cho mình vay.
Đúng vào lúc bức bách, thấy vay tiền dễ quá, vậy là mình lấy tiêu luôn. Hai bên giao ước với nhau bằng... miệng thôi, chứ không có giấy tờ gì cả. Thời gian vay không tính, nhưng hễ nhận tiền đền bù hỗ trợ là phải trả cho họ. Mới đây, khi gia đình nhận tiền đền bù, mình phát hoảng khi chủ nợ đến nhà bảo, mình nợ cả gốc lẫn lãi 400 triệu đồng. Mình chỉ trả được cho họ 40 triệu, hiện đang rao bán 2 ha đất với giá 100 triệu để trả nợ nhưng không thấy ai hỏi mua", anh Khánh kể lại.
Anh Hồ Văn Khánh, người đang bị đòi nợ số tiền lên đến 400 triệu đồng. |
Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, ông Hồ Văn Trăm ngụ thôn Tre bảo, sau khi nhận được tổng số tiền đền bù trong ba đợt là 770 triệu đồng, tôi cho sáu đứa con mỗi đứa một ít, còn lại gửi tiết kiệm vào ngân hàng được 200 triệu đồng. Vài hôm sau khi nhận tiền đền bù, hỗ trợ thì có người lạ mặt đến nhà đòi nợ. “Hỏi ra mới biết, thằng con út của mình nó bị họ dụ dỗ cho vay tiền với lãi suất cao. Tiền vay không thấy mang về nhà, mà giờ số tiền phải trả nợ cho họ là 200 triệu đồng. Chỉ còn cách rút hết tiền tiết kiệm ra để trả cho họ thôi, chứ cứ vài ngày là có người đến nhà dọa nạt miết, sợ lắm", ông Trăm buồn rầu nói.
Còn ông Hồ Văn Tập ngụ thôn Tre nhận gần 600 triệu tiền đền bù, nhưng trước lúc được nhận ông cũng đã bấm bụng vay với lãi suất "cắt cổ" để mua một con bò, bốn con heo, ba hecta rẫy, cho con 30 triệu để mua xe. Số tiền vay trong nhiều đợt ông không nhớ bao nhiêu, nhưng 600 triệu tiền đền bù, hỗ trợ ông vừa mới nhận, chỉ vừa đủ cho ông trả nợ.
Cho vay tiền với lãi suất "cắt cổ".
Ông Hồ Văn Trăm ngụ thôn Tre sau khi nhận được tiền đền bù, hỗ trợ đã gửi tiết kiệm vào ngân hàng được 200 triệu đồng, nhưng giờ đang định rút ra hết để trả nợ cho đứa con út, vì đã vay nặng lãi. |
Trưởng thôn Nước Biếc Đinh Văn Nhít cho biết, trong thôn có 37 hộ dân chuyển về nơi ở mới, nhường đất cho dự án Hồ chứa nước Nước Trong. Những hộ dân nhường đất, được Nhà nước cấp cho khoảng 2.000m2 đất để sản xuất. Trong thời gian chờ nhận tiền đền bù, hỗ trợ đã có khoảng 20 hộ dân đã vay mượn tiền của tư thương, với lãi suất rất cao. Trong đó phần lớn là con cái trong gia đình của các chủ hộ đứng ra vay, sử dụng không đúng mục đích. Đến khi gia đình nhận tiền đền bù đến hàng trăm triệu đồng, nhưng vẫn không đủ trả nợ.
Nhiều người giờ còn nợ hàng trăm triệu đồng. Về thực trạng này, chính quyền các cấp cũng tuyên truyền đến người dân nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ không nên vay tiền lãi suất cao, nhưng vì thấy vay bên ngoài không cần thủ tục gì, cứ cần tiền nhấc máy “alo” là có người đến đưa cho. Chính vì trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp. Họ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Nhiều hộ vay còn lớ ngớ chẳng biết là mình đã vay bao nhiêu, cũng chẳng có giấy tờ hợp pháp nào để chứng minh khi vay tiền. Giờ chủ nợ đòi tiền, những người này mới ngộ ra thì đã quá muộn rồi.
Chủ tịch UBND xã Trà Thọ Hồ Tấn Vũ bộc bạch: Nắm được thông tin hàng trăm hộ dân nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ của dự án Hồ chứa nước Nước Trong, một số đối tượng cho vay nặng lãi ở địa phương khác đến “ăn dầm nằm dề” ở đây, gạ gẫm cho người dân vay tiền với lãi suất đến 50%. Ngoài hình thức cho vay tiền, các đối tượng còn mua xe, điện thoại... cho người dân; giao ước bằng miệng với nhau là đến khi nhận tiền đền bù, hỗ trợ thì trả sau. Trong tổng số 158 hộ nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ thì có khoảng 70-80% các chủ hộ hoặc con cái của chủ hộ có vay tiền với lãi suất cao. Chính quyền rất đau xót, khi những đồng tiền hỗ trợ, đền bù của dự án hỗ trợ cho người dân bị các đối tượng xấu trục lợi.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN