Giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng

03:11, 08/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ), hiện nay, các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai Đề án “Đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” giai đoạn 2015 - 2020.

TIN LIÊN QUAN

Tỉnh cần có cơ chế rõ ràng trong việc hỗ trợ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng vay vốn tạo việc làm. Bởi trong 3 năm qua, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi chỉ có 13/321 người CHXAPT được vay vốn, với số tiền 90 triệu đồng là quá thấp.
Ông Nguyễn Hà Hải - Chánh Văn phòng UBND  thành phố Quảng Ngãi.
Nhiều người cần giúp đỡ…

Theo Đề án, giai đoạn 2015 - 2020, các cấp, ngành phấn đấu mỗi năm có 5 - 10% số người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) được giới thiệu có việc làm; 10 - 20% số xã, phường, thị trấn xây dựng các mô hình THNCĐ để giúp đỡ người CHXAPT tại địa phương. Mục tiêu là phấn đấu kéo giảm tỷ lệ người tái phạm tội, vi phạm pháp luật trong số người CHXAPT xuống mức dưới 3%. Đối với 100% số phạm nhân chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh được đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp và kỹ năng tìm kiếm việc làm, THNCĐ sau khi CHXAPT về địa phương…
 
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên là không dễ, bởi số người vi phạm pháp luật bị Tòa án các cấp xét xử, chấp hành án ngày càng tăng; số người CHXAPT về địa phương ngày càng nhiều. Chỉ tính từ năm 2002 đến 31.10.2014, toàn tỉnh có 4.746 người CHXAPT về địa phương. Trong số này còn tới 2.157 người chưa xóa án tích cần được giúp đỡ. Theo phân tích của Công an tỉnh, hiện số người có việc làm chỉ khoảng 1.781 người; số người chưa có việc làm cần được hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề và bố trí lao động là rất lớn…
Bài, ảnh: BÁ SƠN   Người chấp hành sau án tù cần được đào tạo nghề, gắn với việc giải quyết việc làm mới, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Người chấp hành sau án tù cần được đào tạo nghề, gắn với việc giải quyết việc làm mới, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.


Từ năm 2013 - 2015, các ngành chức năng chưa tổ chức được nhiều lớp dạy nghề cho nhiều người CHXAPT, vì thiếu các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất. Người được đào tạo nghề tại các trại giam, trại tạm giam cũng chỉ là những nghề thông thường như: Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, làm nấm… khi về địa phương lại không phù hợp. Nhiều người thất nghiệp nên rất dễ dẫn đến tái phạm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thì hiện có khoảng 3% số người tái phạm bị xử lý bằng pháp luật.

Bên cạnh đó, việc giao trách nhiệm cho các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và UBND các cấp hỗ trợ người CHXAPT theo Nghị định số 80/2011 của Chính phủ cũng chưa được thực hiện tốt. Cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ vốn hoặc vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ hoặc cho người CHXAPT vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cũng chưa nhiều. Việc phát hiện, xây dựng các mô hình, cá nhân điển hình  về THNCĐ chưa được các cấp, ngành quan tâm mà chỉ mang tính tự phát, nên chưa được nhân rộng...

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Anh Lê Văn Mạnh, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) tâm sự: Đối với những người sau khi CHXAPT về địa phương như chúng tôi, điều quan trọng là cần được các cấp, ngành quan tâm, động viên giúp đỡ kịp thời. Bởi sau ra tù ai cũng mặc cảm, nhiều người muốn vay vốn làm ăn, những không biết hỏi ở đâu.

Còn anh Lê Hoàng Tuấn Kiệt, chủ điểm nhận trung chuyển hàng hóa ở tổ dân phố 1, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) - người giúp đỡ nhiều người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng thì cho rằng: Để xóa đi mặc cảm cho các em, điều quan trọng là ngay từ ngày mãn hạn tù, các đoàn thể chính trị- xã hội phải cho họ biết rằng trong xã hội này luôn có người giúp đỡ để họ làm lại cuộc đời. Trong đó, cần hỗ trợ tài chính, giúp đỡ, tạo điều kiện để người CHXAPT học nghề, có việc làm… mới ngăn ngừa tái phạm trở lại”.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh, việc hỗ trợ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Đây là công tác vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với những người có quá khứ lầm lỗi. Làm tốt điều này sẽ là giải pháp quan trọng, góp phần kiềm chế tội phạm gia tăng, giữ vững ổn định ANTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: BÁ SƠN

 


.