(Báo Quảng Ngãi)- Với tinh thần trách nhiệm cùng lòng nhiệt huyết, người có uy tín trong đồng bào các DTTS trong tỉnh đã có những đóng góp trực tiếp, hiệu quả, giúp đỡ đồng bào tích cực sản xuất, vươn lên thoát nghèo, bài trừ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc dân tộc. Họ xứng đáng là chỗ dựa vững chắc trong cộng đồng, là cầu nối gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Những năm gần đây, việc xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể đặc biệt quan tâm. Đây chính là lớp người tiêu biểu, là tấm gương sáng trong cộng đồng, ảnh hưởng tích cực đối với quần chúng trong thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS.
Già làng Đinh Văn Hời (áo trắng) nắm tình hình đời sống của người dân trong thôn. |
Đến nay, 6 huyện miền núi và các huyện đồng bằng có người đồng bào các DTTS sinh sống có gần 1.000 người được bầu chọn người có uy tín các cấp. Họ là những người tiền phong gương mẫu, không chỉ là người giữ lửa các phong trào thi đua mà còn có nhiều đóng góp cho cộng đồng dân cư. Tiêu biểu là tấm gương của già làng, người có uy tín Hồ Ngọc Ký ở thôn Sơn Bàn, xã Trà Sơn (Trà Bồng). Ông đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng trường học, giúp các hộ nghèo có đất làm nhà ở và đất sản xuất.
Già Ký giống như người cha già của dân làng, những lời ông nói, đồng bào luôn tin tưởng. Không phụ lòng tin của dân làng, ngày ngày, già Ký vẫn miệt mài vận động, tuyên truyền bà con trong thôn thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Với ông, chính tư tưởng đạo đức của Bác Hồ là tấm gương sáng để ông học tập và làm theo, kể cả trong những năm tháng chiến tranh và khi trở về với cuộc sống đời thường.
Ông Đinh Văn Tua - người có uy tín ở thôn Giá Gối, xã Sơn Thủy (Sơn Hà) cũng tình nguyện hiến 300m2 để xây dựng trường mẫu giáo thôn. Kể từ khi đưa vào hoạt động năm 2012, ngôi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu học tập, vì thế tỷ lệ học sinh ra lớp ở bậc học mẫu giáo của thôn tăng lên nhiều so với trước đây. Đầu tháng 11 vừa qua, ông tiếp tục hiến 600m2 đất để xây Nhà văn hóa thôn, làm nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa của đồng bào mình. Không chỉ có vậy, ông còn tích cực vận động, nhắc nhở người dân dạy bảo thế hệ con trẻ trong thôn xóm, giữ gìn, phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình như: Lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới...
Ông Tua kiên trì bám sát địa bàn, tham gia tích cực các hoạt động ở cơ sở, gần dân, sát dân, những già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã thực sự là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại các huyện miền núi của tỉnh.
Với ông Phạm Văn Níu - người có uy tín ở thôn Gọi Re, xã Ba Xa (Ba Tơ) từng là lính Bộ đội Cụ Hồ. Rời chiến trường ông trở về nơi chôn nhau cắt rốn để ổn định cuộc sống gia đình. Không cam tâm nhìn dân làng mình cứ bị đói nghèo đeo bám bởi những phong tục lạc hậu, nhất là cúng thầy mo khi đau ốm, bệnh tật, ông cùng những người lớn tuổi khác trong thôn tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách chữa bệnh, khi ốm đau phải đến trạm y tế để bác sĩ thăm khám, không nên ở nhà tổ chức cúng bái.
Ông Đinh Tấn Sơn(bên trái) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi gia súc cho người dân trong thôn. |
Bằng những lời lẽ, cử chỉ thân tình hay câu chuyện trong đời sống hằng ngày, ông Níu đã giúp bà con hiểu và chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp người dân hiểu được có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay là nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm. Còn ông Đinh Tấn Sơn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai (Minh Long) thì chia sẻ: Những chính sách, dự án đầu tư của Nhà nước đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào các DTTS. Bà con trong thôn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chủ động vươn lên trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình trường học, nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ông Đinh Văn Hời - người có uy tín ở thôn Gò Ra, xã Sơn Thành (Sơn Hà) là tấm gương về đoàn kết cộng đồng nhờ làm tốt công tác hòa giải. Trong 3 năm gần đây, ông đã chủ động phối hợp các ban ngành, đoàn thể, Ban công tác Mặt trận thôn, tổ hòa giải, tổ an ninh, ban cán sự thôn, cấp ủy, chính quyền tham gia hòa giải thành công 40 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong thôn. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động người dân sống tiết kiệm, chống lãng phí trong cưới hỏi, có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm trong công việc đại sự, mà vẫn không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Có thể nói, với những việc làm cụ thể của mình, người có uy tín trong đồng bào các DTTS trong tỉnh đã góp thêm những bông hoa đẹp trong rừng hoa nghìn việc tốt giữa đại ngàn, góp phần không nhỏ trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương vùng đồng bào các DTTS.
Bài, ảnh: VŨ YẾN