Già làng tình nguyện giữ chứng tích

08:04, 24/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đơn vị 89 – một trong 3 đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được thành lập vào ngày 19.8.1959 tại xã vùng cao Sơn Lập (Sơn Tây). Hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc, Đơn vị 89 đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và nơi ngày xưa Đơn vị 89 đóng quân giờ chỉ còn là chứng tích được một già làng người Ca Dong tình nguyện chăm sóc, giữ gìn…

TIN LIÊN QUAN


“Làng ta làng bộ đội”

Sau hơn 3 giờ đồng hồ vượt khoảng 100km đường từ TP.Quảng Ngãi chúng tôi mới đặt chân đến địa bàn xã Sơn Lập (Sơn Tây). Mới đầu hạ mà trời nóng hầm hập. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lập Đinh Bờ Ghi cùng Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc Thêm đưa chúng tôi đi thăm chứng tích Đơn vị 89 ở thôn Mang Trẩy – cách trung tâm xã hơn 1km.

Già Tách cùng các em học trò bên bia chứng tích Đơn vị 89 ở xã Sơn Lập – Sơn Tây.
Già Tách cùng các em học trò bên bia chứng tích Đơn vị 89 ở xã Sơn Lập – Sơn Tây.


Vừa chạm cổng làng, bọn trẻ con ùa ra đón chúng tôi. Trang phục học sinh chỉnh tề, vai đeo khăn quàng đỏ, cậu bé Đinh Văn Nhân, học sinh lớp 3 bảo rằng: “Hôm nay già Tách hứa kể cho chúng em nghe câu chuyện “Làng ta làng bộ đội”. Vì thế chúng em đến đây nghe già Tách kể chuyện xong rồi mới tới trường”. Sự háo hức của bé Nhân khiến chúng tôi tò mò muốn được cùng các em nghe câu chuyện của già Tách…

Tiếp các học trò nhỏ và chúng tôi – những vị khách “bất ngờ” trong ngôi nhà sàn đơn sơ là một cụ già ngoài 70 tuổi. Chủ tịch UBND xã Sơn Lập giới thiệu đó chính là già làng Đinh Văn Tách – cựu chiến binh, người tình nguyện giữ gìn, chăm sóc chứng tích Đơn vị 89.

Năm xưa, già Tách có thời cùng sống với bộ đội nên giờ chắc còn nhiều chuyện kể về bộ đội lắm! Như thể chỉ chờ câu nói ấy, già Tách bắt đầu chuyện kể của mình: “Ngày 19.8.1959, tại xã Sơn Lập này, Tỉnh ủy Quảng Ngãi thành lập đơn vị vũ trang thứ hai mang tên Đơn vị 89. Đơn vị ấy đóng quân ở làng mình, có 36 người hầu hết là người Hrê và Ca Dong. Bộ đội về làng không chỉ hoạt động cách mạng mà còn dạy cái chữ, cách trồng lúa nước, nếp ăn ở vệ sinh cho đồng bào mình…

Rồi cứ thế, câu chuyện của già Tách đã khơi lại bao kỷ niệm đẹp về tình quân dân nơi vùng căn cứ Sơn Lập. Giọng đầy tự hào, già Tách bảo: Tôi vinh dự đã nhiều lần được xuống suối lấy nước giúp bộ đội mình nấu cơm; lên rừng chặt củi cho bộ đội sưởi ấm. Mỗi câu chuyện là một bài ca đẹp về người lính Đơn vị 89 năm xưa. Giọng già Tách bỗng chùng xuống khi nhắc đến “anh Bình, anh Kà Lý, anh Lành” tiêm thuốc cứu ông khi cơn sốt rét rừng hành hạ. “Người tôi run bần bật, mẹ tôi cõng tôi đến nhờ các anh cứu chữa. Các anh ấy tiêm cho tôi mấy mũi thuốc, thế là tôi khỏe. Họ nấu cháo nóng bắt tôi ăn rồi mới cho mẹ cõng tôi về nhà. Bây giờ không biết các anh ấy đang ở đâu. Tôi muốn được một lần gặp lại”- già Tách kể trong niềm xúc động.

 Tình nguyện giữ gìn chứng tích…

Già Tách dẫn chúng tôi và các học trò nhỏ đi thăm nơi đặt bia chứng tích Đơn vị 89. Từ nhà ông, băng qua khu đất trống, vượt mấy hàng rào là tới. Cứ ngỡ chứng tích nơi rừng sâu này sẽ lạnh lẽo, âm u. Nhưng không, tấm bia chứng tích đặt giữa khu vườn quang đãng. Dưới chân bia, những nén nhang vẫn đang cháy dở. “Đã 10 năm nay, ngày nào tôi cũng thăm nom tấm bia này và chỉ mong có một ngày các anh bộ đội ngày xưa về lại làng mình” – già Tách nói.

Thật tình cờ, già Tách chỉ vào Chủ tịch UBND xã Sơn Lập Bạch Ngọc Thêm bảo rằng: “Tấm bia này là tôi và anh Thêm cùng một cán bộ xã Sơn Lập đã đào hố để đặt đấy. Anh cán bộ kia vắn số nên đã mất. Anh Thêm làm chủ tịch xã bận lắm, chỉ còn tôi là cựu chiến binh, rảnh rỗi, nên mình tự nguyện chăm sóc chứng tích”. Giữa trưa nắng, già Tách vẫn cùng các cháu học sinh Sơn Lập trò chuyện nơi bia chứng tích. Giờ học đến, các em mới chia tay mọi người để vào lớp.

Đã 55 năm qua, già Tách vẫn sống và bám trụ trồng keo, nuôi trâu, làm ruộng nơi vùng căn cứ mà Đơn vị 89 đóng quân. Những kỷ vật tuy không còn, nhưng trong tim ông bao câu chuyện xúc động về nghĩa tình quân dân vẫn in hằn, tươi mới. Ông nhắc chuyện xưa mà nghẹn ngào: Những bữa cơm mà tôi cùng ăn với bộ đội chỉ rau, muối với vài con tép sông Xà Lò do tôi bắt về. Bộ đội Đơn vị 89 ở trong những căn nhà vách tranh tre không chống nổi những cơn mưa rừng xối xả, nhưng tấm lòng bộ đội thì rộng lắm. Bởi thế, tôi nhớ bộ đội lắm!

Chiến tranh đi qua, Đơn vị 89 hoàn thành sứ mệnh lịch sử và năm 2011 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lòng dân Sơn Lập vẫn nhớ các anh không chỉ vì dũng khí mà cái chính là tình người, tình quân dân. Nghĩa tình là thế nhưng già Tách bảo không biết đi xe, nên chẳng làm sao đi tìm được các anh ấy cả. Và chuyện về các anh ở làng này vẫn còn nhiều người nhớ rõ.

Vùng di tích còn khá khiêm tốn và tấm bia khắc tên Đơn vị 89 hàng chữ mờ phai không còn rõ chữ. Nếu không gặp già Tách, ít ai qua đây nhận biết được ngày xưa ở nơi này lại có Đơn vị 89 – một trong ba đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi đóng quân…

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.