(Báo Quảng Ngãi)- Mang trong mình tàn dư của chiến tranh, bị chất độc da cam hành hạ và không nghe được như người bình thường, nhưng anh Phạm Hồng Tiên ngụ thôn 1 xã Đức Chánh (Mộ Đức) không những chiến thắng được bệnh tật mà còn làm giàu cho gia đình với nghề “thổi hồn vào gỗ”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bước vào ngôi nhà nhỏ của anh Tiên nằm sát Quốc lộ 1, chúng tôi thấy la liệt các loại tượng, tranh, bàn ghế…với đủ các hình dạng và kích thước được chế tác rất tinh xảo và đẹp mắt từ các loại gốc, rễ cây. Tìm hiểu cơ duyên đưa anh đến với cái nghề "hái" tiền từ gốc cây này, chúng tôi được nghe câu chuyện đáng khâm phục của một con người đầy nghị lực.
Học hết 12, điều kiện kinh tế và sức khỏe không cho phép nên anh đành phải bươn chãi để kiếm sống. Chàng thanh niên ốm yếu có nước da đen nhánh không từ một công việc nặng nhọc nào, những ngày tháng lang bạt bốc vác, phụ hồ khắp nơi làm sức khỏe anh giảm đi, nhưng lại tích thêm nghị lực cho con người chịu thương, chịu khó này.
Sự đam mê và chăm chỉ đã dẫn bước anh Tiên đến thành công trong nghề chạm khắc gỗ. |
Đầu năm 1997, anh lập gia đình với một cô gái trong xã. Nhà nghèo nên cả hai vợ chồng đều chí thú làm ăn. Khởi nghiệp với nghề buôn bán heo con, sau vài chuyến buôn bao nhiêu vốn liếng có được sau đám cưới bị lỗ sạch. Chán nản, anh và vợ rời làng vào Nam làm thuê, sau một thời gian dài làm lụng vất vả tích góp lại được một ít vốn, đến đầu năm 2008 cả hai vợ chồng lại khăn gói về quê quyết “làm lại”. Lần này con cá lóc được vợ chồng anh đặt niềm tin và dường như vận hạn chưa hết đeo bám anh. Cá sau khi thả nuôi đều chết sạch.
Sau “cú sốc” cá lóc, cuộc sống gia đình anh là những ngày dài túng thiếu và lam lũ. Năm 2010, trong một lần lên huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) hái cà phê thuê. Trong lúc ngồi nghỉ chân sau một quãng đường dài hì hục leo lên con dốc cao để tới rẫy, thấy một gốc cây có hình thù rất đẹp nên anh đào về để ở lán trại. Lúc rảnh rỗi anh mang gốc cây ra dùng con dao gọt đẽo, cái gốc cây xù xì qua bàn tay của anh đã biến thành một… “tác phẩm” đẹp mắt. Sau vài ngày có người đi ngang qua thấy đẹp nên hỏi mua. Cầm tiền trên tay, trong đầu anh lóe lên ý nghĩ, tại sao mình không kiếm tiền bằng nghề này?
Nghĩ là làm, về quê anh gom hết số vốn liếng ít ỏi còn lại, cộng với số tiền có được từ việc bán những vật dụng trước kia dùng để nuôi cá được gần chục triệu đồng. Anh bắt đầu rong ruổi từ Huế đến các tỉnh Tây Nguyên, hễ nghe ở đâu có nghề chạm khắc gỗ là anh tìm tới để “học”. Sau vài chuyến đi về, anh lùng sục khắp các cách rừng ở Ba Tơ, Sơn Tây để tìm gốc, rễ cây…những thứ mà người dân chỉ dùng để làm củi đốt. “Lúc đó vốn liếng chẳng có, lại thấy anh đem về toàn gốc cây để khắp nhà nên tôi lo lắm. Nhưng thấy anh đam mê, nhiều đêm không ngủ lên mạng internet xem những mẫu tượng, bàn ghế... sau đó lại lom khom đục gõ đến mức quên ăn nên tôi cũng động viên để anh làm xem thử thế nào”, chị Cao Thị Kim Cương, vợ anh Tiên nhớ lại.
Cuối cùng thì bao hoài nghi của gia đình và hàng xóm cũng được giải đáp, mọi người hết sức ngạc nhiên trước độ tinh xảo của những bức tượng do một người tay ngang làm ra. Hàng làm ra anh bày ngay trước nhà, bắt đầu từ đó những chiếc ôtô biển số Hà Nội, Đà Nẵng… dừng trước nhà anh ngày một nhiều. Khách hàng thường để lại số điện thoại và địa chỉ để đặt anh làm những mẫu mà họ thích. Đến nay, cuộc sống gia đình anh đã ổn định nhờ nghề “thổi hồn vào gỗ” này. “Số phận không ưu ái mình, nhưng mình luôn quan niệm rằng hãy cố gắng lao động chân chính bằng đôi tay và khối óc của mình thì ông trời sẽ không bao giờ phụ lòng người”, anh Tiên chia sẻ.
Bài, ảnh: LÊ DANH