Con đường hoàn lương (Kỳ 2)

10:10, 31/10/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Bến đỗ cho người hoàn lương


Những người đã phạm phải lỗi lầm rất cần những bàn tay níu giữ từ gia đình và xã hội mới giúp họ làm lại cuộc đời. Bởi, yêu thương nhau là cho nhau cơ hội tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.


Niềm tin vào sự phục thiện

Ở tổ dân phố 1, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) không ai không cảm phục anh Lê Hoàng Tuấn Kiệt (44 tuổi). Dựng cơ ngơi từ đôi bàn tay trắng, nên anh luôn là tấm gương để những người trẻ noi theo. Song, điều mà anh khiến mọi người phải nể trọng là anh đã biến nhiều giấc mơ hoàn lương của bao người đàn ông tội lỗi trở thành hiện thực. Trong câu chuyện của mình, anh Kiệt vẫn không thể nào quên quá khứ khốn khó của anh.

Bước vào đời không chút vốn lận lưng, anh kiên trì cóp nhặt từng đồng từ chiếc ba gác máy. Năm 2000, dành dụm được ít tiền, anh mạnh dạn vay mượn để mua xe tải và mở dịch vụ nhận trung chuyển hàng hoá. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh Kiệt đã mở rộng vòng tay đón nhận những người mới “đi trại” về làm việc mà không chút suy tính thiệt hơn. Anh Kiệt tâm niệm, con người ta không ai muốn chọn cho mình bể khổ, chỉ có điều do hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến phạm tội, nhưng khi thức tỉnh họ rất muốn có cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Vâng! Có lẽ anh Kiệt đã thấm thía bao cơ cực của những tháng ngày nghèo khổ trước đây và thầm biết ơn những người đã giúp anh có cuộc sống như ngày hôm nay.

“Anh em ở tù ra thường khó hòa nhập với cộng đồng, một phần do tâm lý mặc cảm với tội lỗi, một phần do người đời chưa mấy thiện cảm với những con người này,  nên rất khó tìm được việc làm. Mà một khi như thế thì con đường quay về lối cũ gần hơn nhiều so với con đường tương lai ở phía trước. Nhưng nếu chúng ta tin tưởng, trao cơ hội thì sẽ khơi dậy phần đẹp nhất trong con người họ. Và tôi không thể ngoảnh mặt với những phận người này”, anh Kiệt tâm sự.

Anh Kiệt (bên trái) đang khiêng hàng cùng anh em.
Anh Kiệt (bên trái) đang khiêng hàng cùng anh em.


Khi cơ sở của anh quy mô còn nhỏ, anh Kiệt chỉ nhận được 3 người mới đi tù về. Dần dà, việc làm ăn thuận lợi, anh đã tạo việc làm cho 26 lao động thường xuyên, với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết những người anh Kiệt nhận vào làm đều có tiền án, tiền sự về ma tuý, cướp giật... Công việc hàng ngày của họ là bốc vác hàng hoá, lái xe và đi giao hàng. Ngoài tạo công ăn việc làm, anh Kiệt cho họ vay mượn tiền để mua phương tiện đi lại hay khi gia đình có người đau ốm, cưới xin. Riêng những người ở xa được anh tạo điều kiện ăn ở ngay tại cơ sở kinh doanh.

Kể về anh Kiệt, anh Lê Anh Khoa mắt sáng rực. Anh Khoa gắn bó cuộc đời với cơ sở của anh Kiệt gần 3 năm qua để rồi đến nay cuộc đời anh đã bước sang trang mới. Khoa từng bị đưa đi giáo dục 24 tháng ở Phú Yên về tội gây rối trật tự công cộng. Chấp hành xong án phạt, Khoa hành nghề rửa xe ở Đồng Nai, thấy cuộc sống vất vả và bị mọi người kỳ thị, Khoa trở về quê với tương lai mờ mịt. Nghe mọi người kể về tấm lòng anh Kiệt, Khoa đã tìm đến và anh Kiệt không ngần ngại trao cho anh cơ hội làm lại cuộc đời.  

Hiện tại, Khoa được giao nhiệm vụ giao trái cây cho các tiểu thương chợ Quảng Ngãi. “Cực nhọc để kiếm sống tôi không ngại, nhưng chỉ tủi thân trước thái độ xa lánh của người đời. Có lúc tôi muốn buông xuôi tất cả, nhưng may có tấm lòng của anh Kiệt đã cho tôi thấy tình người vẫn tỏa sáng trong lúc tối tăm nhất”, Khoa rưng rưng nước mắt.

Trung uý Phan Văn Đệ - Cảnh sát khu vực phụ trách tổ dân phố 1, Công an thị trấn La Hà, chia sẻ: Các anh em đang lao động ở cơ sở của anh Kiệt đều hoà nhập cộng đồng rất tốt. Anh Kiệt thường xuyên động viên, khuyên bảo anh em để không quay lại con đường tội lỗi.  “Tấm lòng của anh Kiệt đã giúp không ít “yêng hùng” nhận ra rằng, trong cái giá phải trả cho tội lỗi của mình, họ vẫn luôn được xã hội quan tâm dành cho những ân huệ”, trung úy Đệ, nói.

Những bàn tay yêu thương

Những năm qua, chủ trương giúp những người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng làm lại cuộc đời của Công an tỉnh có ý nghĩa rất lớn lao. Ngoài việc giáo dục, tư vấn tâm lý cho những người mới ra tù, Công an tỉnh còn giúp họ vốn để cải tạo cuộc sống. Công an tỉnh đã giới thiệu việc làm và bảo lãnh ngân hàng cho hàng trăm người hoàn lương vay vốn để làm ăn. Những chiến sĩ công an còn thường xuyên đến tận nhà những người mãn hạn tù để tìm hiểu, giúp đỡ họ làm lại cuộc đời… Anh Trần Thiện Khiêm, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) nhớ lại: “Ra tù trở về nhà được vài ngày, thấy mấy anh công an đến, tôi sợ quá chạy ra phía sau nhà trốn. Sau khi trò chuyện, người nhà tôi gọi: Khiêm ơi, mấy anh đến tìm hiểu đời sống gia đình mình để giúp đỡ đấy! Tôi nghe mà cứ tưởng chuyện đùa. Nhờ vậy mà cuộc đời tôi đã sang trang mới, ngay thẳng và đàng hoàng hơn”.

Đặc biệt, các cấp bộ đoàn đã chủ động phối hợp với ngành Công an tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, giúp thanh niên lầm lỡ khắc phục tâm lý mặc cảm, tự ti, xây dựng ý chí phấn đấu vươn lên tạo lập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hằng năm, chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” thu hút trên 200 phạm nhân tham gia. Bí thư Tỉnh đoàn Hà Thị Anh Thư, chia sẻ: “Chương trình đã động viên, khuyến khích các phạm nhân tích cực học tập, lao động cải tạo tốt để sớm hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, được về đoàn tụ với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, làm người có ích cho xã hội”.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU- LÊ DANH
 


.