(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng hệ thống cầu treo tiềm ẩn nhiều rủi ro mà mới nhất là vụ sập cầu treo ở Lai Châu, khiến 9 người thiệt mạng và nhiều người bị thương, đã gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn của các cầu treo trên địa bàn Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới đây, sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở GTVT và UBND các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn, lắp đặt ngay biển báo quy định tải trọng.
Cầu treo bắc qua suối Huy Măng (Sơn Dung, Sơn Tây) đã xuống cấp. Ảnh: LÊ ĐỨC |
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, tại các địa phương miền núi chúng ta thường bắt gặp những chiếc cầu treo bắc qua các con sông, suối… chênh vênh, được nối bằng những sợi cáp và các trụ bê tông ở hai bờ. Nhiều chiếc cầu trông rất kiên cố, thế nhưng khi đi qua thì cầu rung lắc mạnh. Nhiều chiếc cầu được xây dựng cách đây khá lâu nên xuống cấp một số bộ phận, có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Dọc theo sông Re, huyện Ba Tơ, là hình ảnh những chiếc cầu treo nhỏ và được dựng lên khá đơn sơ với vài sợi dây cáp mỏng manh cùng những thanh gỗ gác ngang làm dầm cầu. Tại xã Ba Ngạc, nhiều người đi đường phải thót tim khi đi qua chiếc cầu treo dài khoảng 30m bắc qua sông Re. Chiếc cầu này đã xuống cấp trầm trọng. Hệ thống ván gác ngang làm dầm nhiều đoạn đã mục và gãy. Còn sợi dây cáp nhiều đoạn hoen gỉ. Thế nhưng, hằng ngày người dân địa phương và thương lái vẫn phải qua lại cầu, bất chấp hiểm họa rình rập.
Còn trên địa bàn huyện miền núi Sơn Tây, bên cạnh cầu treo kiên cố do Nhà nước đầu tư xây dựng, thì còn có rất nhiều cầu treo “nhí” dài từ 5 đến 10m bắc qua các con suối nhỏ… do người dân tự làm tiềm ẩn nhiều rủi ro mỗi khi qua lại.
Tại xã Sơn Màu, người dân và học sinh thôn Tà Vinh, Ha Lên phải đi lại trên những cây cầu treo nguy hiểm. Cầu được đan bằng những sợi sắt nhỏ như chiếc đũa. Dầm cầu được nối bằng những cây gỗ và tre, nứa. “Chúng tôi làm cầu tạm này để mỗi khi nước suối dâng cao qua lại an toàn. Ban đầu đi sợ, nhưng đi riết thành quen!” – anh Đinh Văn Trí vừa đi qua cầu nói.
Còn cầu treo bắc qua suối Huy Măng (xã Sơn Dung), đã đưa vào sử dụng hơn 5 năm qua và hiện nay đã xuống cấp. Địa phương có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng. Thế nhưng, đến nay chiếc cầu này vẫn là nỗi lo đối với người dân bởi nhiều đoạn dầm cầu ván đã mục gãy, rơi rụng, để lại những lỗ trống lớn.
Cầu treo tiềm ẩn hiểm họa là thực trạng đã được các cấp, ngành cảnh báo từ lâu. Cách đây hơn ba năm, vào ngày 17.11.2010, chiếc cầu treo bắc qua sông Re trên địa bàn xã Sơn Thủy (Sơn Hà), sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã đổ nhào xuống dòng nước chảy xiết. Rất may vụ việc không gây thương vong về người, nhưng cũng đủ để cánh báo cơ quan chức năng và người dân về độ an toàn của những chiếc cầu treo nơi vùng cao.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 24 cầu treo ở các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, Đức Phổ… do cấp huyện, xã quản lý. Trong đó nhiều cầu treo hiện đã xuống cấp, hư hỏng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Màu (Sơn Tây) đi lại trên một chiếc cầu treo tạm bợ. |
Trước thực trạng trên, Sở GTVT đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, khắc phục hệ thống dây văng, cáp chủ, dây treo… đầu neo, hộp bảo vệ neo, kiểm kê dây treo tại đỉnh tháp, biện pháp chống gỉ, tháp và trụ tháp cầu, biến dạng dầm chủ, cao độ mặt cầu, khuyết tật của kết cấu nhịp, mố trụ cầu, tải trọng khai thác, hệ thống biển báo hiệu hạn chế trước mặt cầu... nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Riêng các cầu sử dụng cáp dự ứng lực ngoài, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tình trạng bên ngoài của cáp dự ứng lực ngoài, kiểm tra gỉ ở khu vực đầu neo và các vị trí nối ống HDPE bảo vệ cáp... Hạn chế xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ lưu thông qua cầu treo gây sự cố nguy hiểm. Các đơn vị liên quan cũng phải kiểm tra thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC