Dân bỏ nước sạch, dùng nước giếng

08:09, 10/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đi vào hoạt động từ tháng 8.2010 với công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, Nhà máy nước Mộ Đức hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 900 hộ dân sinh sống ở thị trấn Mộ Đức và xã Đức Tân. Thế nhưng, hiện giờ công suất hoạt động của nhà máy trên chưa đến 20%.

TIN LIÊN QUAN

Uống nước giếng, giặt giũ bằng… nước sạch!

Từ lâu, các giếng nước khoan ở xung quanh khu vực thị trấn Mộ Đức cũng như xã Đức Tân bị nhiễm phèn nặng. Ấy thế nên khi Dự án Nhà máy nước Mộ Đức ra đời, bà con nơi đây mừng như bắt được vàng. Nhưng rồi niềm vui ấy lại dần nhường chỗ cho sự thất vọng vì tiến độ thi công quá chậm. Mãi 5 năm sau, tức năm 2010, nhà máy có giá trị đầu tư 5 tỷ đồng mới chính thức đi vào hoạt động.

 

Nước sạch chủ yếu  dùng để giặt giũ.
Nước sạch chủ yếu dùng để giặt giũ.


Thời gian đầu, người dân háo hức tìm đến nước sạch những mong được giải thoát khỏi lo toan, ám ảnh bệnh tật và chi phí. Vậy nhưng, càng sử dụng, họ càng phát hiện nguồn nước mang tiếng sạch này lại có bợn và cặn lắng đọng, màu vàng nhạt lại có mùi tanh. Lúc đầu, người dân nghĩ hiện tượng trên là do đường ống và trang thiết bị mới. Nhưng một tháng, rồi một năm mà nước vẫn thế khiến họ hoài nghi về chất lượng. Từ hoài nghi, nhiều người chuyển sang… tẩy chay, không sử dụng nước do nhà máy cung cấp. Cụ thể là trong số 450 hộ ban đầu đăng ký dùng nước sạch thì, hiện chỉ có 200 hộ sử dụng 3-10 m3 nước/tháng, số còn lại 0-3m3 nước/tháng. Thế mới có chuyện công suất được thiết kế lên đến 1.000m3/ngày đêm nhưng hiện giờ, nhà máy cung cấp nước sạch này chỉ “chảy” được 150 - 200 m3/ngày đêm.

Điều đáng nói là những hộ mở van nước sạch không phải dùng để nấu ăn, uống mà lại ưu tiên cho việc… tắm rửa, giặt giũ hay tưới cây. Thế mà nhiều hộ còn bảo bất đắc dĩ phải dùng, vì nhà không thể khoan được giếng, bởi “nhìn thấy nó đục và hôi như thế thì tôi lo tắm, giặt cũng bị bệnh, ghẻ lở”, anh Trần Hiển ở tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức bày tỏ. Vậy là dù có nước sạch nhưng anh Hiển cũng như nhiều hộ dân ở đây vẫn phải mua nước bình hoặc lặn lội đến các thôn, xóm lân cận để… xin nước về nấu ăn, uống!.    

Cần sự cảm thông và chia sẻ của người dân

Trong khi người dân cho rằng nước sạch mà… không sạch, thì đơn vị chủ quản - Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi (Cty) lại khẳng định: “Nước đạt yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”, thể hiện qua kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Đáng lưu ý là ngoài các yếu tố vi lượng thấp hơn quy định thì kết quả kiểm tra còn cho thấy nước không có mùi tanh, đục và có màu vàng nhạt như người dân phản ánh. Vậy vì sao nhìn bằng mắt thường, nước lại có những dấu hiệu trên? Lý giải điều này, Giám đốc Cty Đặng Ngọc Anh cho rằng: “Một phần là do thói quen của người sử dụng”. Nghĩa là vì bà con dùng nước quá ít, lại không thường xuyên, liên tục nên đường ống bị nước lắng đọng và cáu bẩn, bợn và cặn vì thế cũng sẽ xuất hiện. Đã thế, họ không sử dụng nước trực tiếp từ van mà lại chứa trong thùng, để dành sử dụng lâu ngày sẽ khiến hóa chất xử lý cũng như kim loại trong nước có cơ hội kết lại khiến nó bị nhớt và có mùi hôi.

Đây cũng có thể được xem là một nguyên nhân khiến chất lượng nước “vênh” giữa thực tế và kiểm nghiệm, nhưng nó lại không thuyết phục được người dân. Bởi họ cho rằng, nguồn nước sạch này có triệu chứng bẩn ngay từ những ngày đầu nhà máy đi vào vận hành - tức ba năm trước chứ không phải đến giờ mới xuất hiện. Và ngay lúc ấy, họ đã phản ánh và được Cty hứa sẽ sớm khắc phục, xử lý. Nhưng rồi ngoài kết luận kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là “nước đạt yêu cầu” thì, Cty lại không đáp ứng được điều mong mỏi của người dân. Đó là trả lại độ sạch cho nước ngay từ cái nhìn trực quan.

Để làm được điều này, ngoài trách nhiệm của Cty là phải gột rửa đường ống, đầu tư nâng cấp dây chuyền xử lý nước thì lãnh đạo Cty cũng mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của người dân bằng cách thử một lần thay đổi thói quen dùng nước. Bởi điều này không chỉ từng bước khắc phục tình trạng nước “nơi thừa chỗ thiếu”, mà còn tạo cơ hội cho nhà máy khắc phục những cái chưa chuẩn của mình nhằm vận hành ổn định và hiệu quả, tránh lãng phí.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.