Bảy trăm hộ dân thôn Tư Cung khát nước sạch

08:06, 19/06/2013
.

(QNg)- Thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh) có 701 hộ với 3.500 khẩu sử dụng nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước giếng. Tuy nhiên nguồn nước nơi đây bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng, khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
 

TIN LIÊN QUAN


  Theo nhiều hộ dân trong thôn, dù đã đào giếng sâu hàng chục mét nhưng giếng nước nào cũng bị nhiễm phèn, nước vàng quánh màu nghệ. Múc nước từ giếng lên, đổ vào thau, để một lát sau là xuất hiện lớp phèn bám dày dưới đáy. Ngay cả khi đun sôi, thì dưới đáy ấm vẫn lắng lại một lớp cặn màu đỏ quánh, phải cạo thật mạnh mới bong ra. Đến quần áo giặt qua nước phèn cũng bị ngả màu. Vì thế, không ai dám dùng nước này để uống. Để cải thiện chất lượng nước, nhiều hộ dân tự bỏ tiền ra để  đầu tư xây dựng bể lọc. Mỗi công trình bể lọc tốn kém ngót chục triệu đồng, nhưng nước đã qua xử lý cũng chỉ dùng để giặt quần áo, tắm rửa chứ không dám nấu ăn vì vẫn còn mùi tanh nồng,  nên đành tập cách “sống chung với nước không dùng được”.
 

Ông Lư Văn Tin - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết: “ Hiện nay, chính quyền địa phương đang khảo sát nguồn nước và lập hồ sơ để đầu tư xây dựng công trình nước sạch trị giá khoảng 5 tỷ đồng nhằm giải quyết vấn đề “khát” nước sạch cho người dân thôn Tư Cung. Tuy nhiên công trình này chỉ được hỗ trợ vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia là 90%, còn người hưởng lợi phải tự bỏ ra 10%”.

Đối với các hộ dân thôn Tư Cung, can nhựa chính là vật bất ly thân của mỗi gia đình. Bởi để có nước sinh hoạt, mọi người lại phải sang các thôn lân cận để xin nước về dùng. Nhiều nhà có con nhỏ, dù tốn kém nhưng đành lựa chọn phương án mua bình nước lọc về dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ. “Bình quân 2 ngày, gia đình tôi tiêu tốn từ 30 - 40 nghìn đồng để mua bình nước lọc về uống và nấu ăn. Chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao, thế mà phải bỏ ra hơn 500 nghìn đồng mỗi tháng để mua nước sạch, trong khi 2 vợ chồng tôi chỉ làm nông, thu nhập thấp”, chị Phạm Thị Mỹ Diễm, thôn Tư Cung chia sẻ.

Trong khi hàng trăm hộ dân trong thôn khốn khổ vì nước phèn, thì riêng khu dân cư Khê Hòa (thôn Tư Cung) lại ngao ngán vì sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Toàn khu dân cư có 126 hộ thì chỉ có khoảng 30% số hộ khoan được giếng để dùng. Số còn lại, hoàn toàn sống trong tình cảnh “trắng” nước. Anh Đoàn Minh Thành, một hộ dân cả chục năm vẫn không đào được giếng tâm sự: “Thợ khoan giếng dò khắp nơi trong vườn nhà và khoan thử đến 6 chỗ nhưng vẫn không tìm ra mạch nước. Đào tầm 15 mét vẫn không thấy nước, đào thêm thì chạm phải đá nên  thợ khoan đành bỏ cuộc”.

Không có nước sinh hoạt nảy sinh nhiều cái khó, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu dân cư Khê Hòa, nhất là khâu vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi.  Nhiều hộ gia đình phải tiêu tốn khá nhiều chi phí để mua máy bơm và ống dẫn nước từ kênh thủy lợi vào tận nhà để phục vụ chăn nuôi. Nhưng cách làm trên vẫn nảy sinh nhiều bất cập bởi nguồn nước tưới phục vụ kênh mương nội đồng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hướng đến vật nuôi. “Người dân trong xóm chỉ mong có nước để dùng. Cho dù đào được mạch nước phèn cũng còn may mắn hơn là không có nước”, ông Phùng Cường - Trưởng khu dân cư Khê Hòa nói.

Ông Trương Thành Vũ - Trưởng thôn Tư Cung cho hay: “Hầu như tất cả các giếng nước trong thôn đều bị nhiễm phèn nên người dân không dám dùng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngay đến nguồn nước đã lọc qua bể, cũng không thể lọc hết mùi tanh nồng nên người dân phải mua nước, hoặc chở nước từ nơi khác về dùng. Từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, ruộng khô thì giếng cũng khô, nên người dân trong thôn đến nước phèn cũng không có để dùng”.            
                     
                                    

     Ý Thu  
 


.