Nghịch lý “cây nước sạch”

02:08, 14/08/2013
.

(QNg)- Hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân miền núi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư. Thế nhưng, để đem lại hiệu quả, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần phải thay đổi cách làm, không nên để xảy ra nghịch lý nơi cần thì thiếu, nơi không cần thì lại đầu tư như ở xã Sơn Bao (Sơn Hà)…
    

TIN LIÊN QUAN
Chỗ đập bỏ

Mặc dù có sông Nước Trong vắt ngang, nhưng xã Sơn Bao vẫn là địa bàn “không thuận con nước”. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra khá gay gắt tại nhiều khu dân cư, nhất là những khu cheo leo trên sườn núi. Vì thế, khi Chương trình 135 triển khai, xã Sơn Bao đã được đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt là: Nước Sao, Mang Nà, Nước Bao, Nước Tang. Thế nhưng, hiện tại chỉ có công trình Nước Sao và Mang Nà là “nước còn về đều đặn”.

Sở dĩ hai công trình trên phát huy hiệu quả là do người dân được thụ hưởng biết cách bảo quản. Khi có hư hỏng nhỏ họ chủ động sửa chữa. Nhờ đó, hiện nay, mỗi ngày gần 300 hộ dân sống trên sườn núi Sơn Bao được cấp nước sinh hoạt. Trước khi chưa được đầu tư, dân ở đây phải vất vả trong việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt. Bởi vậy, họ hiểu và quý trọng nguồn nước mà Nhà nước đem đến cho mình. Vì vậy, sau hơn 10 năm xây dựng, hai công trình này đến nay vẫn “chạy tốt”.

 

 Công trình nước sạch Nước Sao (Sơn Bao) xây dựng phù hợp với  nhu cầu của dân nên hơn 10 năm qua vẫn “chạy tốt”.
Công trình nước sạch Nước Sao (Sơn Bao) xây dựng phù hợp với nhu cầu của dân nên hơn 10 năm qua vẫn “chạy tốt”.


Còn công trình nước sinh hoạt Nước Bao thì nước từ bể đầu nguồn chảy về bể chứa lúc có, lúc không. Riêng công trình nước sạch Nước Tang đã bị người dân phá bỏ. Ông Đinh Văn Phèng – Chủ tịch UBND xã Sơn Bao giải thích: “Người dân thôn Nước Tang nói không cần cây nước sạch, nên đập phá. Họ tự làm đường ống dẫn nước về nhà sử dụng. Người dân ở đây chỉ cần công trình thủy lợi thôi!”.

Khi công trình nước sinh hoạt Nước Tang xây dựng, ông Đinh Văn Phèng là Bí thư Xã đoàn Sơn Bao đã cùng chủ đầu tư và chính quyền đến tận thôn Nước Tang để bàn chuyện xây dựng. Ông Đinh Văn Phèng nhớ lại: Khi ấy có nhiều hộ dân không đồng tình, nhưng chẳng hiểu sao công trình này vẫn được thi công. “Thi công xong, họ đập phá ngay. Công trình chưa vận hành được ngày nào”– ông Phèng bảo.

Nơi ngóng chờ!

Ông Đinh Văn Phèng cho biết thêm: Hiện nay, nhân dân xã Sơn Bao đang rất cần những “cây nước sạch”. Khát khao nhất có lẽ là người dân xóm Cầu Muồng (thôn Nước Tang), xóm Nước Vua và xóm Tà Van (thôn Mang Nà). Hơn 150 hộ dân 3 xóm này đã nhiều lần kiến nghị xin xây dựng công trình nước sinh hoạt nhưng chưa có kinh phí để xây dựng. Ông Đinh Văn Phía – người xóm Cầu Muồng bảo: “Chúng tôi mong có công trình nước sinh hoạt lắm! Già rồi, sức yếu chẳng leo núi cõng nước về nhà dùng được”.

Ông Đinh Văn Phía cho biết thêm: Giá như trước khi xây dựng công trình nước sạch Nước Tang chủ đầu tư thuận theo ý dân là chưa nên đầu tư công trình này mà chuyển cho khu dân cư khác cần thiết hơn thì tốt biết mấy. Đằng này họ chưa xem trọng ý kiến dân, để rồi phí đi một công trình cấp nước cả trăm triệu đồng. Giờ nơi cần thì lại không có tiền để xây.


Xây dựng công trình dân sinh cần phải hỏi dân kỹ càng. Dân đồng thuận thì làm. Dân không thuận thì phải cân nhắc, không nên cứ “ấn xuống”, gây lãng phí. Đây là bài học quý mà chắc chắn chính quyền xã Sơn Bao không quên!


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.