(Báo Quảng Ngãi)- Sau bao nhiêu năm sống trong thấp thỏm vì bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng do triều cường, người dân thôn An Cường (Bình Hải, Bình Sơn) tưởng đã có thể trút được nỗi lo khi dự án kè chống sạt lở bờ biển được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, dù được chủ trương xây dựng theo diện khẩn cấp, nhưng hiện giờ đoạn kè dài 256m này vẫn còn dang dở.
Về lại An Cường vào những ngày giữa tháng 8. Chưa đến mùa bão, nhưng những con sóng dữ đã bắt đầu tiến dần vào những căn nhà nằm sát mé biển. Cạnh những ngôi nhà nằm chênh vênh trên triền cát là công trường xây dựng đoạn kè chắn sóng vẫn còn ngổn ngang.
Khẩn cấp triển khai...
Sau khi đã gia hạn một lần, ngày 15.9 sắp đến, công trình kè chắn sóng thôn An Cường lại ở điểm dừng kỹ thuật. Tuy nhiên, tại thời điểm này, đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc.
Dưới dòng nước biển lạnh buốt, hàng chục công nhân của Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Kiến Việt Hoa đang dốc hết sức lực để hút nước biển ra khỏi khu vực thi công kè. Mặc dù đã đắp đê quai để chắn sóng, ngăn nước biển xâm thực vào địa điểm thi công, nhưng triều cường dâng cao kèm theo sóng lớn nên đê quai bằng cát không ngăn nổi dòng nước. Kỹ sư Đỗ Việt Nhơn, người giám sát việc thi công 120m kè của công ty cho biết: Mỗi ngày, công ty đều có khoảng 30 nhân công làm việc tại công trình. Nhiều lúc mọi người còn làm việc vào ban đêm để kịp tiến độ. Nhưng đê quai thường xuyên bị sóng đánh vỡ khiến nước tràn vào liên tục, gây khó khăn cho việc thi công. “Việc có hoàn thành kè An Cường đúng tiến độ đề ra hay không còn phải phụ thuộc vào… thời tiết”- Kỹ sư Nhơn trăn trở.
Người dân thấp thỏm khi sống trong những ngôi nhà chênh vênh nơi mé biển. |
Trong khi các nhà thầu đang gấp rút thi công, thì người dân nơi đây lại bộn bề trăn trở. Những ký ức về mỗi lần chạy bão và những ngôi nhà bỗng dưng biến mất dưới cơn sóng dữ vẫn còn ám ảnh tâm trí của hơn 150 hộ dân An Cường. Vì vậy, không chỉ bản thân doanh nghiệp tăng cường thi công mà người dân thôn An Cường cũng sốt sắng đồng hành để đẩy nhanh tiến độ.
Những khoảnh vườn chật hẹp, cùng thềm nhà của các hộ dân gần kề công trình đều trở thành nơi chứa đá, bê tông… để xây kè. Mặc dù đất đá, bê tông chắn hết cả lối đi, nhưng ai cũng san sẻ vất vả cùng đơn vị thi công. Niềm hy vọng được thoát khỏi cảnh lo âu, thấp thỏm mỗi mùa mưa bão hiện rõ trên gương mặt của những người dân nơi đây. Nhiều cụ già còn lặn lội ra tận địa điểm thi công kè để dõi theo tiến độ. “Sống ở đây gần hết một đời người, không năm nào chúng tôi không phải chứng kiến cảnh biển “nuốt” nhà. Bây giờ được xây kè, dân mừng lắm! Ngày nào tôi cũng ra xem người ta thi công kè và mong ngày nó hoàn thành. Nhưng mùa mưa thì sắp đến rồi, mà kè vẫn chưa thấy nên hình nên khối”, cụ Mai Văn Tạc - một người dân sống ở thôn An Cường chép miệng nói.
Ngày 21.3, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép UBND huyện Bình Sơn khẩn cấp triển khai thực hiện xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ biển bảo vệ khu dân cư thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn). Đoạn kè có chiều dài 256m với số vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Công trình do Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Kiến Việt Hoa, Cty TNHH TM Hương Lúa, Cty cổ phần 20.7 thi công. |
...nhưng tiến độ công trình vẫn chậm
Được cấp phép xây dựng từ cuối tháng 3.2013, đến đầu tháng 6.2013, ba đơn vị thi công là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Kiến Việt Hoa, Công ty TNHH TM Hương Lúa, Công ty Cổ phần 20.7 chính thức tiến hành thi công đoạn kè chống sạt lở Bình Hải. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân sống ở vùng biển bị sạt lở An Cường thì từ tháng 7 trở đi, biển bắt đầu có những đợt sóng lớn và thường có mưa, vì vậy việc xây dựng kè sẽ bị ảnh hưởng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Lâm - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Sơn, kiêm Trưởng ban Quản lý Dự án kè chống sạt lở bảo vệ KDC An Cường, cho biết: Sở dĩ có sự chậm trễ này là do Ban Quản lý phải mất đến 45 ngày để tiến hành đo đạc, kiểm kê, áp giá đền bù cho người dân để giải phóng mặt bằng. Khi tiến hành thi công, đê quai cao 2m được dựng bằng cọc tre, bao cát nhưng vẫn liên tục bị sóng đánh vỡ khiến nước tràn vào làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. “Hiện giờ, các đơn vị thi công chỉ có thể cố gắng gấp rút hoàn thiện điểm dừng kỹ thuật của kè chắn sóng. Còn các công trình phụ khác như đường giao thông, rãnh thoát nước… thì phải hoàn thiện sau” - ông Lâm nói.
Kè chắn sóng được chỉ đạo khẩn trương xây dựng để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho hơn 150 hộ dân vùng sạt lở An Cường. Nhưng mùa mưa bão sắp đến mà công trình chưa hoàn thành, người dân nơi đây vẫn phải tiếp tục sống trong thấp thỏm mong chờ. Chắc rằng, chuyện chạy lũ năm nay ở An Cường không khác năm trước!
Bài, ảnh: Ý THU