(QNg)- Bạo hành gia đình, nhất là bạo hành trẻ em trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Những ông bố, bà mẹ hay những người đứng tuổi cha mẹ các em sẵn sàng "ra tay dạy dỗ" bằng những trận đòn nhừ tử, gây ra những thương tích trên da thịt…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sự bàng quan, vô trách nhiệm của người lớn vô tình không chỉ gây ra những thương tích trên thân thể trẻ mà còn làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng đến nhân cách trẻ sau này…
Đủ kiểu bạo hành
Mới đây nhất là câu chuyện của cháu V.T.V (20 tháng tuổi) ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) bị một người hàng xóm ra tay tàn bạo với những vết cứa bằng kéo trên khuôn mặt non nớt, gây ra hàng chục vết thẹo lồi lõm. Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi về Nghĩa An, khi nghe hỏi chuyện về cháu bé bị rạch mặt ai ai cũng bức xúc.
Dù đã nghe qua nhưng chúng tôi vẫn không thể tin vào mắt mình. Khuôn mặt ngây thơ, ở cái tuổi lên 2 với những vết cắt lồi lõm, khiến những người chứng kiến đau xót. Hỏi ra mới hay, người phụ nữ kia nghi ngờ cháu V.T.V là con riêng của chồng mình với mẹ cháu qua lời đồn đoán của dư luận, do cháu V.T.V có khuôn mặt giống chồng mình, nên ra tay hành hạ cháu bé.
Chị Võ Thị Giỏi, mẹ cháu bé cho biết: Hơn một tháng qua, khuôn mặt cháu luôn có những vết cắt chảy máu, nhưng chị và gia đình không biết nguyên nhân vì sao. "Ban đầu tôi nghĩ chắc thằng bé đi chơi vướng vào rào gai hoặc bị cây bụi gây thương tích nên lo thuốc men sát trùng vết thương. Tuy nhiên, ngay cả khi để con nằm trong nhà ngủ vẫn có những vết cắt xuất hiện trên mặt. Có bữa tôi đang nấu cơm dưới bếp, còn V.T.V ngủ ở giường nhà trên, đang làm tôi nghe con khóc ré chạy lên thì thấy bốn đường cắt mới tanh và máu chảy nhiều. Con còn nhỏ quá nên hỏi mãi vẫn không biết ai gây ra cho cháu" - chị Giỏi kể.
Hay như trước đó, trường hợp của cháu Nguyễn Thục Phi (quê xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành) bị cha mẹ nuôi hành hạ tàn bạo chỉ vì cháu mắc tội… nghi ăn cắp tiền. Nhận Thục Phi làm con nuôi, khi cháu lớn, ông Nguyễn Mùi và bà Đoàn Thị Hồng Yến dạy dỗ cháu bằng cách hành hạ những trận đòn roi tím da, mềm thịt. Đỉnh điểm là ông Mùi và bà Yến đã đánh cháu Phi phải nhập viện (thương tích trên 50%).
Đó là hai trong số hàng trăm vụ bạo hành trẻ em mà chúng ta biết đến. Trong xã hội vẫn còn đó nhiều em nhỏ bị ngược đãi thậm chí bị bóc lột sức lao động và cả tinh thần…
Sự lạm quyền vô lối của người lớn
Chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến con trẻ. Từ quan niệm "Phải đánh mới nên người", nhiều bậc cha mẹ đánh đòn con mình như một biện pháp trừng phạt răn đe trẻ không mắc lỗi lần sau. Nhưng vô hình chung hành động "dạy con nên người" của họ đã đẩy con trẻ vào những "cực hình" mà lẽ ra với tuổi đó các em phải được chăm sóc, dạy bảo ân cần.
Nguyên nhân của bạo hành có nhiều. Áp lực công việc, nỗi lo cơm áo gạo tiền hay tư tưởng "con tôi, tôi xử" đã dồn đẩy cha mẹ chuyển từ tình thương sang roi vọt mà không ý thức được tác hại nguy kịch lên bản thân, ý thức con trẻ.
Xã hội đang giật mình thon thót và phẫn uất khi xem những hình ảnh, đoạn phim ghi lại thương tật của trẻ nhỏ dưới đôi bàn tay bạc ác của chính cha mẹ mình. Và chỉ có trẻ em là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất. Có những em chịu thương tổn về thể chất, có em sang chấn tâm lý mạnh phải điều trị lâu dài. Trường hợp của cháu Thục Phi là một minh chứng cho những hành động bạo lực của người lớn khiến cho tâm hồn vốn trong sáng và ngây thơ của em bị ám ảnh.
Chẳng có cha mẹ nào ngẩng mặt được với đời khi trong lòng ráo hoảnh tình yêu, sự bao dung vị tha và lún sâu vào bạo lực. Những vụ việc bạo hành trẻ em đã và đang dần được đưa ra ánh sáng nhờ các thông tin kịp thời của hàng xóm láng giềng, của dư luận và báo chí. Khi nhờ đến bàn tay của pháp luật, những kẻ tàn bạo sẽ chẳng thể vu vạ cho số phận để vòng vo tránh tội.
Tự tu dưỡng bản thân tới lòng hướng thiện, đây chính là điều tiên quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình và nuôi cho tâm hồn trẻ thơ trong sáng để các em bước vào đời với lòng thương yêu. Một khi tình yêu được hình thành tự nhiên, mọi việc sẽ được giải quyết hiền hòa, tốt đẹp. Ngược lại, nếu không được giáo dục, chăm sóc, được dạy dỗ về tâm lý, đạo đức lối sống thì rất có thể những "chủ nhân tương lai của đất nước" sẽ không thể trở thành chủ nhân thực sự được.
LÊ ĐỨC