Quảng Ngãi: Cây mai dương đang "bá chủ" 570 ha đất

09:08, 31/08/2010
.

(QNĐT) - Một thực tế đáng báo động hiện nay, là cây mai dương hiện hữu khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, làm cản trở lối đi, ngăn dòng chảy kênh mương, tiêu diệt các hệ thực, động vật khác và xâm chiếm một lượng lớn diện tích đất canh tác trên địa bàn tỉnh.

* "Xóa sổ" hơn 570 ha đất canh tác

Cây mai dương hay còn gọi là cây ngưu ma vương, trinh nữ thân gỗ, mắc cỡ Mỹ, trinh nữ nâu, trinh nữ móc, mắc mèo... (tên khoa học là Mimosa pigra). Mai dương thường cao từ 1,5 - 2m, khi trưởng thành toàn thân hóa gỗ trở nên cứng cáp, chống chịu với tác nhân gió và nước, gai nhọn mọc khắp vỏ, thân và cành nên chống được sự giẫm đạp của động vật. 
 
Với những tính năng ưu việt như trên nên chúng nhanh chóng có mặt khắp nơi và được con người sử dụng cho việc làm hàng rào bảo vệ, cơ chất để sản xuất nấm, nhiên liệu sinh học.. 
 
Mai dương phủ kín dòng chảy tại Cầu Kênh (Sơn Tịnh)
Mai dương phủ kín dòng chảy tại Cầu Kênh (Sơn Tịnh).

Cây có khả năng cho ra hoa từ 4-12 tháng sau khi mọc, sau đó khoảng 4-5 tuần quả sẽ chín. Quả phân thành nhiều đốt, nhẹ, mang rất nhiều lông tơ, giúp quả dễ dàng di chuyển theo dòng nước hoặc phát tán theo gió. Hạt mai dương có thể giữ sức nảy mầm đến 23 năm, nhất là trong môi trường đất ẩm ướt, hạt nứt, nảy mầm nhanh và có thể nảy mầm quanh năm. 
 
Đặc biệt, mai dương có chứa chất Mirnosin - một loại axit amin gây độc với nhiều loài. Đặc biệt, khi chết, thân cây phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Nhờ những đặc điểm sinh học như thế, từ chỗ vài cây, mai dương nhanh chóng phát triển mạnh, tạo thành thảm bụi cao, chiếm lĩnh cư trường là những vùng đất hoang hóa, ẩm ướt, những bãi bồi ven sông, kênh, rạch, mương, hồ, hệ thống thủy lợi và hai bên các tuyến đường.., làm cho đất nghèo dinh dưỡng, khiến hệ thực vật, động vật xung quanh bị hủy diệt, cản trở lối đi, ngăn dòng chảy kênh mương, xâm chiếm một lượng lớn diện tích đất canh tác trên địa bàn tỉnh.

Tại khu vực cầu Ô Sông thuộc địa phận xã Bình Long (Bình Sơn) và cầu Kênh (Sơn Tịnh), người dân khốn khổ với loại cây này. Hầu như chúng đã phủ kín cả dòng chảy, tạo thành những vạt rừng, lấn chiếm, bao vây diện tích lúa, thậm chí lan vào vườn nhà của các hộ dân nơi đây. 
 
Ông Nguyễn Văn Quang, ở thôn Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn than thở: "Chỉ trong vòng 1 năm, 3 sào ruộng lúa của gia đình tôi bên khu vực cầu Ô Sông bị mai dương xâm chiếm hoàn toàn. Tôi đã dùng biện pháp chặt hạ rồi đốt cây nhưng không hiệu quả. Sau mỗi lần diệt trừ cây con lại mọc khủng khiếp hơn. Không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác có ruộng lúa ở đây cũng bị mai dương lấn chiếm nhưng đành bó tay".

Theo số liệu thống kê của Trung tâm BVTV miền Trung vào năm 1997, toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 212/1.169 xã, phường của 18 tỉnh, thành phố nhiễm cây trinh mai dương, với diện tích xâm nhiễm là 680,04ha, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 37,78 ha. 
 
Nhưng chỉ sau 13 năm, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT hiện con số này ở tỉnh Quảng Ngãi đã lên đến hơn 570 ha, nhiều nhất ở các huyện đồng bằng như Sơn Tịnh: 138 ha, Đức Phổ: 125,2 ha, Mộ Đức: 120,8 ha, Tư Nghĩa: 105,8 ha... Mỗi năm, diện tích cây này tăng hơn gấp đôi. Đây là những con số không nhỏ trong khi tình trạng đất canh tác ngày càng bị thu hẹp như hiện nay.

*Cần sự "ra tay" của toàn xã hội

Trước nguy cơ cây mai dương đe dọa hệ sinh thái ở nhiều địa phương trong cả nước, ngày 1/6/2006, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị chính quyền địa phương các cấp cần tích cực triển khai các biện pháp diệt trừ cây mai dương.

Trước đó, thạc sĩ Lê Duy Thắng (Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh) và nhóm cộng sự đã từng thành công trong việc nghiên cứu sử dụng sinh khối cây mai dương làm nguyên liệu trồng nấm. Tuy nhiên, mô hình này đến nay vẫn chưa được nhân rộng.

Chi cục BVTV tỉnh cũng đã thử nghiệm dùng nhiều loại thuốc hóa học phun xịt, nhưng hiệu quả không cao, đồng thời gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Từ đó đến nay, vấn đề này xem như "đánh trống bỏ dùi", tạo điều kiện cho mai dương ngày càng "hoành hành" trong khi việc nghiên cứu để có biện pháp diệt trừ hiệu quả loại cây này vẫn còn là những thách thức.

Theo ông Lê Văn Biên - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, dùng hóa chất BVTV để diệt trừ mai dương là vấn đề nhạy cảm, có trường hợp cây chỉ chết phần ngọn, kích thích phần gốc tái sinh chồi và gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và động vật. 
 
Nếu không diệt trừ khi mai dương chỉ vài cá thể và còn non thì vài năm sau chúng sẽ phát triển thành những vạt rừng
Nếu không diệt trừ khi vài cá thể và còn non thì sau vài năm mai dương sẽ nhanh chóng phát triển thành quần thể.

Nếu chặt cây mà vẫn còn chừa một phần gốc, một thời gian sau cây mọc nhiều nhánh con hơn. Lúc đó, nếu mai dương đang vào mùa quả chín thì vô tình chúng ta vừa triệt hạ cây già vừa làm hạt rơi vãi, có điều kiện phát tán theo gió và nước càng nhanh chóng tái tạo cây con hơn. Thậm chí, việc đốt cây mai dương sau chặt hạ cũng là con dao hai lưỡi. Đây chính là động tác kích thích, giúp hạt dễ nứt vỏ, dễ tiếp xúc với nước, làm tăng sức nảy mầm.

Vì vậy, biện pháp hữu hiệu để diệt trừ mai dương lúc này là dùng phương pháp thủ công. Chặt bỏ tận rễ, gốc và đốt khi cây còn non. Ở những vùng quần thể mai dương dày đặc, cần chặt sát gốc, phơi khô, đốt sạch, sau đó dùng máy cày hoặc cuốc đào sâu, nhặt hết gốc rễ rồi đốt. Thuốc BVTV chỉ dùng khi cây còn non và ở xa nguồn nước.

Trước hết, theo chúng tôi, tỉnh cần khẩn trương xây dựng dự án nhằm tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân nhận thức được hiểm họa và các biện pháp diệt trừ. Các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo và tổ chức ra quân rầm rộ, đồng loạt diệt trừ mai dương trong toàn tỉnh trong nhiều năm liền và kiên trì lặp lại trong nhiều năm tiếp theo. 
 
Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt và cần sự ra tay của toàn xã hội, nếu không, thời gian không xa nữa chúng ta không thể nào kiểm soát nổi tai họa do sự bành trướng của cây mai dương ./. 

Bài, ảnh: Ái Kiều

.