(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
[links()]
Cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời dạy của Bác
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (đăng trên báo Nhân Dân số 5409 ngày 3/2/1969 nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: Bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: Nhandan.vn |
Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm” và “địch bên ngoài không đáng sợ; địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng. Chủ nghĩa cá nhân chính là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và “người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết trên trán chữ “cộng sản” là được họ yêu mến”, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Người chỉ rõ nguyên nhân sâu xa, xét đến cùng dẫn tới sự suy thoái biến chất, làm giảm sức chiến đấu trong Đảng đó chính là chủ nghĩa cá nhân: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”.
Kết hợp giữa "xây" và "chống"
Thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ ở cấp cao bị kỷ luật vì đã không vượt qua chính mình, không chế ngự bản thân trước cám dỗ của đồng tiền, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Chính những “con sâu” của chủ nghĩa cá nhân đã gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Nguồn gốc sâu xa khiến các đối tượng rơi vào vòng lao lý là bởi rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tính kỷ luật kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Họ là những kẻ tham danh, trục lợi, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền... Họ không thường xuyên trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, nên bị những “viên đạn bọc đường” trong thời kinh tế thị trường ngắm trúng. Là cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền luôn phải tâm niệm rằng chủ nghĩa cá nhân nằm ngay trong chính mỗi con người, luôn có nguy cơ trỗi dậy, bùng phát khi có cơ hội. Vai trò quyết định trong chống chủ nghĩa cá nhân chính là nội lực của mỗi con người được bảo đảm bằng nền tảng đạo đức để đủ sức làm chủ bản thân, kiểm soát được ham muốn của bản thân, chế ngự và điều khiển hành vi không vượt qua lằn ranh của pháp luật và đạo đức xã hội.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, từng bước đấu tranh, đẩy lùi một bước chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh của nó như cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương, vô cảm; những tiêu cực trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng… ở một số cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền.
Trong đấu tranh đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ; việc xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng”, nên muốn “chống” phải bắt đầu từ “xây”. Trong đó, vai trò quyết định là tu dưỡng, rèn luyện, kiểm soát ham muốn, nâng cao năng lực đề kháng trước cám dỗ. Cám dỗ sẽ “làm cho con người ta xuống dốc không phanh”. “Xây” chính là nâng cao nhận thức tư tưởng, bồi đắp các phẩm chất tốt đẹp, thúc đẩy động cơ đạo đức, chế độ kỷ luật tự giác, làm cho cái tốt đẹp lớn dần, được nuôi dưỡng, còn cái xấu phải bị đẩy lùi, không có cơ hội ngóc đầu dậy. “Chống” chủ nghĩa cá nhân bắt đầu từ việc đấu tranh kiên quyết với sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng.
Để chống chủ nghĩa cá nhân, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan để thực hiện tốt nội dung “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức; về tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đề cao kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo. Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân chỉ đạt hiệu quả khi định hình những biện pháp tổng hợp cùng bổ sung cho nhau, tùy từng hoàn cảnh mà từng biện pháp có thể đặt trật tự trước - sau, vị trí cao - thấp khác nhau.
Nâng cao đạo đức cách mạng
Muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải nâng cao đạo đức cách mạng và có đạo đức cách mạng sẽ loại bỏ được chủ nghĩa cá nhân. Trong xây dựng Đảng về đạo đức phải thực hiện đồng bộ cả hai nội dung “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, lâu dài, xuyên suốt, “chống” là quan trọng, cấp bách, được thực hiện bằng giải pháp tổng hợp, tác động vào nhiều khâu, nhiều mặt, nhiều nội dung, hướng vào tạo nền tảng đạo đức vững chắc, bền vững và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái.
|
ĐẠI NGHĨA