Cân nhắc với chỉ tiêu đô thị hóa

10:07, 31/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 (Dự thảo Báo cáo chính trị), đề ra chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 35%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và ngành chức năng thì chỉ tiêu trên là quá cao, vì nguồn lực đầu tư trong những năm đến dự báo sẽ có nhiều khó khăn.
Chất lượng đô thị còn thấp
 
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 là nhiệm kỳ đầu tiên Quảng Ngãi đạt chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Đó là, Nghị quyết đề ra chỉ tiêu sau 5 năm tỷ lệ đô thị hóa đạt 23% và kết thúc nhiệm kỳ (đến năm 2020) đạt 24,5%. 
 
Công tác quy hoạch và xây dựng hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập dẫn đến đô thị phát triển chưa bền vững.  Trong ảnh: Nút giao giữa hai khu dân cư Nam Lê Lợi và Bắc Lê Lợi không khớp.
Công tác quy hoạch và xây dựng hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập dẫn đến đô thị phát triển chưa bền vững. Trong ảnh: Nút giao giữa hai khu dân cư Nam Lê Lợi và Bắc Lê Lợi không khớp.
 
Dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong phát triển đô thị để xây dựng chỉ tiêu nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, dự thảo chưa nêu hết những tồn tại, bất cập trong quá trình đô thị hóa của nhiệm kỳ qua. Đời sống của người dân ở các khu vực xây dựng KDC, KĐT còn nhiều khó khăn; việc chuyển đổi nghề nghiệp chưa mang lại hiệu quả.
 
Nhiều người dân “nhảy” một bước dài từ nông nghiệp sang làm kinh doanh, dịch vụ khiến họ bỡ ngỡ, không tiếp cận được tiến trình đô thị hóa dẫn đến “lạc bước” ngay chính trên mảnh đất họ từng sinh sống. Thậm chí, nhiều người dân sau khi nhận đất tái định cư xong phải bán và tìm đến nơi khác phù hợp hơn để ở.
 
Theo TS.Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, bên cạnh thành tựu đạt được trong thực hiện chỉ tiêu đô thị hóa thì vẫn còn đó những “lỗ hổng”. Chất lượng đô thị phát triển theo chiều rộng, còn chiều sâu thì chưa tốt. Nhiều KDC, KĐT tập trung chuyển nhượng, mua bán nhà, đất là chủ yếu, trong khi các công trình tiện ích công cộng như: Trường học, trạm y tế, khu thể thao, công viên, khu xử lý nước thải, chất thải, thương mại... còn bỏ ngỏ. Thậm chí nhiều KDC, KĐT với hàng trăm lô đất nền bỏ không, nhà cửa thưa thớt.
 
“Vấn đề cần phải làm rõ là, hiện nay giữa thực hiện và quy hoạch “vênh nhau" thì phải xử lý ra làm sao. Như quy hoạch 1/2.000 TP.Quảng Ngãi đã có, nhưng khi phê duyệt quy hoạch 1/500 các dự án lại không đúng như quy hoạch tổng thể. Đơn cử như dự án KĐT  Uhome Lê Lợi, xây dựng hoàn thành thì không kết nối được giữa đường Lê Lợi với Lê Đại Hành, quy hoạch thoát nước, giao thông, thông tin liên lạc... cũng bất cập. Điều này cho thấy, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đang có vấn đề.
 
Phải dựa trên cơ sở thực tiễn
 
Dự thảo Báo cáo chính trị đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, với chỉ tiêu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 35%. Cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu trên là tiếp tục đầu tư phát triển TP.Quảng Ngãi cơ bản đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2025; đưa TX.Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại IV, trong đó một số tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại III.
 
Riêng các đô thị thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), thị trấn Châu Ổ, KĐT Vạn Tường (Bình Sơn) đạt chuẩn đô thị loại IV; các đô thị Lý Sơn, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV; các đô thị còn lại đạt chuẩn đô thị loại V. Đặc biệt, phát triển KKT Dung Quất trở thành đô thị loại III.
 
Dự thảo Báo cáo chính trị chỉ ra nhiều thuận lợi để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đô thị, song các nhà khoa học thì cho rằng, cần xem xét lại chỉ tiêu trên, bởi muốn phát triển đô thị thì trước hết ngân sách nhà nước phải đầu tư. Trong khi đó, nguồn thu từ ngân sách trong nhiệm kỳ đến dự báo sẽ không thuận lợi.
 
Đơn cử như để xây dựng thị trấn Di Lăng trở thành đô thị loại IV, huyện Sơn Hà đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về tổng nhu cầu vốn là 1.815,4 tỷ đồng (tăng gần 534 tỷ đồng so với nhiệm kỳ 2015  -  2020). Điều đó cho thấy, chất lượng đô thị thị trấn Di Lăng và nhiều xã lân cận còn thấp, sau 5 năm khó có thể “vọt” lên đô thị loại IV nếu như nguồn lực đầu tư không được bố trí tương xứng. Bởi thực tế khách quan khi triển khai thực hiện nguồn vốn luôn cao hơn so với dự toán vì vật giá, nhân công... đều tăng theo thời gian.
 
Theo TS. Nguyễn Kim Hiệu, nhiệm kỳ vừa rồi tăng được, nhưng nhiệm kỳ tới dự báo sẽ khó đạt. Bởi vừa qua, khi Đức Phổ được công nhận là thị xã nên mới đạt được chỉ tiêu đô thị hóa. Còn nhiệm kỳ đến, tỉnh chỉ ra việc “nâng cấp” các thị trấn, thị tứ và các đô thị hiện hữu là còn bất cập. “Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đưa ra chỉ tiêu trong 5 năm đến tăng tỷ lệ đô thị hóa 5%, điều đó cho thấy, qua điều hành, chỉ đạo, UBND tỉnh nhận thấy nhiệm kỳ đến còn nhiều việc phải làm và mức tăng 5% phù hợp với hoàn cảnh của tỉnh cũng như điều kiện thực tiễn và cơ sở khoa học. Mức tăng 10% như Dự thảo Báo cáo chính trị đề ra là quá cao”, ông Hiệu nhìn nhận.
 
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế tỉnh Nguyễn Văn Luyện cho rằng, vấn đề hiện nay là các địa phương đều muốn mở rộng thị trấn, thị tứ, đô thị... dẫn đến một trào lưu trong phát triển đô thị. Trong khi việc phát triển mang tính dàn trải, thiếu bền vững. Đầu tư hạ tầng rồi bỏ không, phải tốn tiền để duy tu, bảo dưỡng dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội. “Đô thị hóa là đánh giá dân cư trên địa bàn chứ không đánh giá theo chiều rộng. Do đó, cần phải cân nhắc chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 35%. Muốn đạt được tỉnh phải xác định được nguồn lực đầu tư, nguồn lực huy động xã hội hóa đạt con số tối ưu nhất”, ông Luyện góp ý.
 
Tránh nóng vội trong đô thị hóa
 
Theo một kiến trúc sư tham gia phản biện các đồ án quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thì tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp là do chúng ta có 6 huyện miền núi (nay còn 5 huyện, sau khi sáp nhập huyện Tây Trà và Trà Bồng), địa hình rộng, dân cư sống ở đồng bằng là chủ yếu. Đô thị hóa là chỉ tiêu dân cư sống trong đô thị, chứ không phải đầu tư mặt bằng đất đai rộng ra rồi tính đô thị hóa. Đô thị hóa là chất lượng sinh hoạt trong đô thị, chứ không phải chúng ta có bao nhiêu mét vuông đô thị. Nóng vội để đạt chỉ tiêu này đôi khi dẫn đến lệch hướng.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 
 
 

.