Dân vận khéo ở khu đông Bình Sơn

05:11, 02/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xác định công tác vận động người dân giao đất, giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển công nghiệp của tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, nên các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể ở các xã ở khu đông Bình Sơn đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mang lại hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

Đến nay, xã Bình Trị đã vận động được khoảng 97% người dân trong vùng dự án mở rộng NMLD Dung Quất giao đất, chủ yếu nằm ở thôn Phước Hòa. Từ giữa năm 2016 đến nay, với phương châm thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo các quyền lợi cho người dân và đúng quy định của pháp luật, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo tổ chức họp và đến từng nhà dân để thông tin đầy đủ về dự án, giải thích rõ ràng, minh bạch những kiến nghị của người dân.

Phó Bí thư Chi bộ thôn Phước Hòa Nguyễn Hoàng, chia sẻ kinh nghiệm: Vận động dân giao đất cho các dự án phải thật mềm mỏng, nắm rõ các quy định của Nhà nước về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, nên sau khi được tỉnh, huyện chỉ đạo, chúng tôi làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật và đến nay đã vận động được 400/496 hộ giao đất cho dự án.

 

Phó Bí thư Chi bộ thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn) Nguyễn Hoàng (đầu tiên bên phải) đến nhà bà Lê Thị Thưa để vận động bàn giao đất cho dự án.
Phó Bí thư Chi bộ thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn) Nguyễn Hoàng (đầu tiên bên phải) đến nhà bà Lê Thị Thưa để vận động bàn giao đất cho dự án.

Trong quá trình vận động giao đất, Ban vận động thôn, xã cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì người dân yêu cầu phải đền bù theo diện tích đất họ đang sử dụng. Như trang trại của ông Ngô Trung Tứ, lúc đầu ông yêu cầu phải bồi thường ngang giá với đất ở, nâng mức bồi thường. Tuy nhiên, sau khi vận dụng hết các văn bản của Nhà nước trong công tác đền bù theo hướng có lợi cho dân, Ban vận động của xã và thôn đã đến nhà ông Tứ vận động và ông cũng đã thông, chấp nhận việc giao đất cho dự án.
 
Hay như hộ bà Lê Thị Thưa, dù nhiều kiến nghị của gia đình bà chưa được giải quyết, nhưng nhờ sự vào cuộc của chính quyền trong công tác vận động nên đến nay bà Thưa cùng con các con đã nhận đất và làm nhà ở khu tái định cư Tây Bắc Vạn Tường thuộc thôn An Lộc. Bà Thưa cho biết: "Tôi là chủ hộ và lúc trước đã có chia đất cho ba người con, nhưng hai người con gái chưa có gia đình nên theo quy định không được cấp đất tái định cư. Ban vận động thôn, xã đã ghi nhận nguyện vọng của gia đình và vận động gia đình trước mắt nhận đất theo quy định để làm nhà ở; còn kiến nghị cấp đất ở cho hai người con gái xã sẽ đề xuất lên cấp trên xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật".
 
Với cách làm đó của chính quyền cơ sở đã tạo được sự đồng thuận trong dân, góp phần  hoàn thành việc giao đất để giải phóng mặt bằng dự án mở rộng NMLD Dung Quất.

Tại xã Bình Thạnh, trong những năm qua, nhiều nhà máy, cụm công nghiệp mọc lên đã thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội, nhất là người dân phải nhường đất quá nhiều cho phát triển công nghiệp, trong khi tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn; giá đền bù, tái định cư còn nhiều bất cập...
 
Theo lãnh đạo địa phương, sắp tới đây, Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất sẽ hình thành trên địa bàn xã, tập trung ở ba thôn: Trung An, Vĩnh An, Hải Ninh, với hơn 2.000 hồ sơ cần giải quyết. Bên cạnh  thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nhận đền bù, bàn giao mặt bằng cho dự án, chính quyền địa phương còn có nhiều kiến nghị với cấp trên, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ việc làm sau này cho người dân nên đã tạo được sự đồng thuận trong dân.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh Nguyễn Duy Khắc, cho biết: Chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân giao đất cho các dự án. Từ đầu năm 2017 đến nay, khối lượng công việc rất nhiều, nhưng nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật nên đã hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của huyện và tỉnh.

Theo ông Khắc, ngoài tổ chức họp tập trung để công khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án, 21 thành viên trong Ban vận động còn đến từng nhà dân để vận động và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân; đồng thời phối hợp với các bên liên quan để giải quyết những kiến nghị, nhằm đảm bảo quyền lợi của dân.
 
Như hộ bà Trần Thị Lan ở thôn Trung An thuộc diện khó khăn. Năm 2006, bà Lan làm nhà trên đất nông nghiệp và khi trúng đất dự án bà Lan yêu cầu bồi thường theo giá đất ở. Tuy nhiên, qua vận động, phân tích của chính quyền, bà Lan đã  đồng ý giao đất cho dự án và gia đình đã chuyển vào nơi ở mới thuộc khu tái định cư Mỏ Trạch, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Đến nay, xã đã hoàn thành việc giao đất cho dự án với diện tích gần 100ha trong tổng số diện tích 150ha.

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 


.