(Báo Quảng Ngãi)- Tôi không phải là đảng viên, nhưng cũng như quần chúng nhân dân, tôi có những lo lắng nhất định trước thực tế mấy năm gần đây, nhiều đảng viên, cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, kết án tù.
Mới đây, tại Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã truyền đạt chuyên đề “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Đây là câu chuyện đang rất nóng, cần những định hướng rõ ràng, cần những chỉ đạo chặt chẽ để góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nhưng quan trọng hơn, những người đang phấn đấu vào Đảng, sắp vào Đảng, nhất là những người trẻ cần có ý thức hơn về mục tiêu phấn đấu vào Đảng của mình, để như Trưởng ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nói, họ phải là người tốt trước khi thành đảng viên.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dẫn chứng, khi bà về dự lễ kết nạp Đảng của 2 đoàn viên học lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Đây là 2 học sinh giỏi Toán, Lý nhiều năm liền và thi quốc tế đạt thành tích cao. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nói “cảm thấy mừng và có nhiều sự hy vọng” vì “những học sinh này bước chân vào Đảng, Đảng yên tâm”.
Tôi mới được tác giả Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), tặng quyển sách ông viết về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu - người cùng huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An với ông.
Về nhà cách mạng lỗi lạc Phan Đăng Lưu, ngày trước tôi từng nghe bố tôi - “nguyên là bạn tù” với Phan Đăng Lưu ở nhà đày Buôn Ma Thuột, kể về ông Lưu với tất cả lòng ngưỡng mộ và khâm phục. Theo bố tôi, ông Phan Đăng Lưu không chỉ là người cộng sản kiên trung, mà còn là người cộng sản thiên tài. Ở trong tù, tất cả các bạn tù của ông Lưu hồi ấy đều tôn vinh ông là “Cuốn từ điển sống”, không chỉ là “từ điển trong cuộc sống”, mà cụ thể hơn là “Từ điển Pháp - Việt” và “Từ điển Việt - Pháp”. Bạn tù cần hỏi bất cứ từ nào, Việt sang Pháp hay Pháp sang Việt, ông Phan Đăng Lưu đều nói ngay, không cần tra từ điển. Bộ óc của ông thật kỳ diệu.
Tôi nghĩ, Đảng ta nên tự hào một cách sâu sắc vì đã từng có trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng một thiên tài về học thuật, lại chủ yếu nhờ tự học như Phan Đăng Lưu. Bố tôi kể, sau khi ra tù, Đảng tổ chức cho Phan Đăng Lưu sang Hồng Kông dự một hội nghị. Khi xuống thuyền sang Hồng Kông, ông Lưu mới giở từ điển học tiếng Trung, vậy mà khi sang tới Hồng Kông, ông đã sử dụng thành thạo tiếng Trung (chủ yếu bút đàm), đủ để làm việc thoải mái.
Vậy mà con người lỗi lạc ấy, khi Hội nghị Trung ương Đảng họp năm 1938 đề cử ông làm Tổng Bí thư, ông đã từ chối và đề cử ông Trường Chinh làm Tổng Bí thư, vì ông Trường Chinh, theo ý kiến ông Lưu “Nắm tình hình miền Bắc (Bắc kỳ) chắc hơn tôi, lại có quan hệ rộng và vững vàng với các cơ sở đảng miền Bắc”. Năm ấy, ông Phan Đăng Lưu mới 36 tuổi, một độ tuổi chín chắn nhưng vẫn còn trẻ, còn đầy năng lượng. Khi bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình “vô cớ, dựng đứng án”, đêm trước khi ra pháp trường, Phan Đăng Lưu đã viết bức thư cuối cùng gửi cho con trai, và ông viết bằng tiếng Pháp, công khai cho người Pháp đọc.
Nghe bố tôi kể và đọc quyển sách của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, tôi quá ngưỡng mộ người đảng viên, người lãnh đạo Đảng từ hơn 80 năm trước như Phan Đăng Lưu. Khi ấy, nước ta còn trong gông cùm đô hộ của thực dân Pháp, người yêu nước, người đảng viên hoạt động cứu nước luôn đứng trước nguy cơ bị tử hình, hay tù đày nơi thâm sơn cùng cốc, chứ không hề có bất cứ quyền lợi hay ưu đãi gì.
THANH THẢO