Chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

12:07, 07/07/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIII vào sáng 7/7, đại biểu HĐND tỉnh thay mặt cử tri và nhân dân trong tỉnh đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên chất vấn.
[links()]
“Nóng” vấn đề nông – lâm nghiệp
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải chất vấn, theo báo cáo của UBND tỉnh về tổng kết 5 năm 2015-2020 thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đã thu hút nhiều dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đã được cấp quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.
 
Tuy nhiên, thực tế sau khi các dự án được cấp phép đến nay, một số dự án triển khai dang dở, chậm tiến độ, có dự án làm nửa vời hoặc dự án được cấp chủ trương đầu tư, giao đất nhưng không thực hiện để lãng phí đất đai, nông dân tham gia dự án rơi vào cảnh khó khăn... gây ảnh hưởng đời sống và bức xúc dư luận. Nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị nào?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT tại kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT tại kỳ họp.
 
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, tổng vốn đầu tư của 35 dự án tỉnh thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 là 1.843 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 902ha. Có 20/35 dự án đã hoạt động, 15/35 dự án đang triển khai các thủ tục liên quan.
 
Nhóm các dự án đang triển khai thực hiện nhưng bị chậm tiến độ, nguyên nhân là do quá trình thẩm định dự án liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành nên đôi lúc việc tiếp cận còn hạn chế. Trong đó, có một số dự án chưa thực hiện công tác thẩm định nhu cầu sử dụng đất nên dẫn đến dự án gặp khó khăn khi triển khai thủ tục đất đai sau chủ trương đầu tư.
 
Việc triển khai thủ tục đất đai, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các dự án gặp khó khăn vướng mắc do quy định giữa Luật Đất đai và pháp luật liên quan. Nội dung vướng mắc này đã được UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp để rà soát, chỉ đạo giải quyết nhưng chưa dứt điểm do vướng mắc về quy định của pháp luật đất đai, vượt thẩm quyền của tỉnh.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái tham gia làm rõ thêm những vấn đề liên quan tới các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái tham gia làm rõ thêm những vấn đề liên quan tới các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
 
Làm rõ thêm vấn đề này, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho rằng, giai đoạn 5 năm vừa qua, tỉnh có sự chuyển biến tích cực trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong quá trình triển khai, một số dự án bị chậm tiến độ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành khác rà soát và điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc thu hồi đất, thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thẩm định, giao đất cho dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý trách nhiệm của các sở, ngành chức năng. Với các dự án chậm trễ cho nhà đầu tư thì tỉnh sẽ kiên quyết xử lý, thu hồi đất, thu hồi chủ trương đầu tư.
 
Đại biểu Võ Thanh An đặt câu hỏi, thời gian vừa qua, các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, có loại tăng xấp xỉ 2,5 lần. Trong khi đó giá nông sản, giá gia súc, gia cầm thấp khiến cho nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế. Đề nghị cho biết đã thực hiện giải pháp gì để hạn chế tác hại tiêu cực trước thực trạng trên đối với đời sống sản xuất của người nông dân.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương trả lời chất vấn tại kỳ họp.
 
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các cấp, ngành quản lý đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; khuyến cáo người chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn hiện có tại địa phương; đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết để có đầu ra ổn định, cơ cấu lại đàn theo hướng chăn nuôi đại gia súc...
 
Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thực ăn chăn nuôi. Qua đó, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp với số tiền 52,4 triệu đồng, chủ yếu là buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đảm bảo chất lượng.
 
Đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh đặt vấn đề, việc bán keo non của người dân chỉ mang lại cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài, người nông dân vẫn bị thiệt, ảnh hưởng đến nguồn nước và sạt lở đất. Giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này để việc khai thác keo bảo đảm theo chu kỳ sinh trưởng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng? Nguyên nhân việc trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 09/12/2017 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2021 của Tỉnh ủy chậm có sự chuyển biến trong thực tiễn; giải pháp thực hiện trong thời gian đến?
Đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh đặt câu hỏi về lĩnh vực lâm nghiệp.
Đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh đặt câu hỏi về lĩnh vực lâm nghiệp.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời, tính đến năm 2021, diện tích rừng trồng đạt gần 195 nghìn ha, trong đó phần lớn là cây keo. Để cây keo đạt giá trị hài hòa giữa các lợi ích về kinh tế - xã hội - môi trường, bảo đảm theo chu kỳ sinh trưởng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trồng, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động chủ rừng, người dân không khai thác cây non. Các doanh nghiệp cam kết không mua keo non. Về lâu dài, tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với chủ rừng nhằm kéo dài chu kỳ kinh doanh, xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, hướng đến cấp chứng chỉ rừng.
 
Liên quan đến vấn đề chậm phát triển rừng gỗ lớn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân lớn là thị trường quá dễ dãi, chấp nhận việc bán và tiêu thụ keo non, gỗ chưa đủ tuổi nên tác động lớn đến việc người dân không mặn mà với công tác trồng rừng gỗ lớn. Công tác tuyên truyền, vận động của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương còn hạn chế.
 
Thời gian tới, sở sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án phát triển liên kết rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, với mục tiêu diện tích rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ liên kết lập phương án quản lý rừng bền vững, kéo dài chu kỳ kinh doanh, cấp chứng chỉ rừng với sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại phiên chất vấn của kỳ họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại phiên chất vấn của kỳ họp.
 
Nói thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cần nâng cao vai trò của chủ rừng, sự liên kết giữa tổ quản lý rừng, hợp tác xã trồng rừng và doanh nghiệp. Tỉnh sẽ kiên quyết trong việc chỉ đạo việc trồng rừng gỗ lớn, tiến tới không cho phép xuất khẩu dăm gỗ và triển khai nhiều biện pháp khác để hướng đến mục đích cuối cùng là mang lại nguồn lợi lớn cho người dân từ những diện tích rừng gỗ lớn, đủ tuổi.
 
Chất vấn về lĩnh vực thủy sản, đời sống ngư dân
 
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến công tác nuôi trồng và khai thác thủy sản, chính sách hỗ trợ đời sống ngư dân. Đại biểu Trần Hoàng Vĩnh chất vấn, nguyên nhân vì đâu Sở NN&PNT trình UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản với những chỉ tiêu nuôi trồng thủy sản giảm so với giai đoạn trước. Việc giảm chỉ tiêu như trên có đúng với định hướng chung về phát triển nuôi trồng thủy sản của cả nước và các tỉnh khu vực miền Trung không?
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời, tỉnh xác định diện tích nuôi trồng thủy sản phấn đấu đến năm 2030 đạt 2.030ha nuôi nước lợ, ngọt. Chỉ tiêu về diện tích nuôi trồng thuỷ sản của giai đoạn trước không đạt như mục tiêu kế hoạch đề ra, vì vậy ở giai đoạn sau ngành đã giảm chỉ tiêu về diện tích, không đưa ra chỉ tiêu cao. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là giảm so với giai đoạn trước, tuy nhiên định hướng phát triển đến 2030 là tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản đạt 3-4%/năm, phù hợp với định hướng theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Phương Thảo đặt vấn đề, thời gian gần đây, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, một số tàu cá không ra khơi đánh bắt hải sản hoặc có đi nhưng cầm chừng, vì khả năng thua lỗ là rất cao. Đề nghị cho biết có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên, nhằm nâng cao hiệu quả việc đánh bắt hải sản xa bờ, ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế và khẳng định chủ quyền biển đảo.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa nên khắc phục được một phần giá xăng dầu tăng cao, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế và khẳng định chủ quyền biển đảo.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cũng đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực thủy sản và đời sống ngư dân.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cũng đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực thủy sản và đời sống ngư dân.
 
Đối với tàu cá khai thác bằng các nghề không thuộc đối tượng hỗ trợ, các tàu nhỏ khai thác gần bờ chịu ảnh hưởng rất nặng nề khi giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu nằm bờ hoặc hoạt động cầm chừng do nguy cơ thua lỗ khi đi khai thác. Do đó, thời gian đến, ngành sẽ phối hợp với lực lượng liên quan vấn động ngư dân hoạt động khai thác thủy sản theo Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
Ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của trung ương và địa phương hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, hỗ trợ phát triển thủy sản. Đẩy mạnh đầu tư mới, nâng cấp hạ tầng nghề cá: Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác cho phù hợp. Triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, xây dựng ngành thủy sản phát triển bền vững.
 
Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp, Giám đốc Sở NN&PTNT và lãnh đạo các sở, ngành khác cũng đã làm rõ nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến sức cạnh tranh và tiêu thụ của sản phẩm OCOP; công tác ứng phó với dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lắp thiết bị giám sát hành trình trên biển; tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ hoạt động không hiệu quả; tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới…
 
Thực hiện: N.ĐỨC – T.PHƯƠNG

.