Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

08:05, 09/05/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 9.5, tại điểm cầu Quảng Ngãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. 
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo bộ, ngành Trung ương; trên 8.000 doanh nghiệp toàn quốc; đại diện lãnh đạo sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. 
 
Quang cảnh hội nghị (ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Quang cảnh hội nghị (ảnh: VGP/Quang Hiếu)
 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về tác động của dịch Covid -19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
 
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội toàn cầu, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng cung và tổng cầu trên thế giới giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề.
 
Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy: Khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Gần 58% số doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu quý I/2020 của các doanh nghiệp bị giảm mạnh còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cao nhất với gần 50% số doanh nghiệp.
 
Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động. Gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động.
 
Về tổng hợp kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, đánh giá mức độ hấp thụ chính sách, theo Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có 55% doanh nghiệp cho biết duy trì tăng trưởng trong Quý III, 21% doanh nghiệp cho biết sẽ thu hẹp sản xuất. Doanh nghiệp đề xuất miễn, giãn, giảm phí thuế, thúc đẩy nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ.
 
Với mục tiêu lắng nghe khó khăn và trưng cầu giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp, hội nghị dành thời gian đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng, bộ, ngành ban hành.
 
Các đại biểu cũng đã nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, phát hiện cơ hội mới, để thích ứng với hoàn cảnh mới; nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch Covid-19.
 
Hội nghị cũng làm rõ một số nội dung, kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp như giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; các chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, minh bạch dòng tiền; giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến,…
 
Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Quảng Ngãi
Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Quảng Ngãi
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, do đó phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp; các cơ quan liên quan cần lắng nghe để Chính phủ có giải pháp tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan cùng nhau chia sẻ, hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển của bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động. 
 
Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành cần "xắn tay" vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. “Một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển tăng tốc hơn nữa” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
 
Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
 
H.P
 
 

.