Thảo luận tình hình KT-XH: Nhiều vấn đề cần tập trung khắc phục trong năm 2015

08:12, 11/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XI, chiều 10.12, các đại biểu đã tập trung trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ trình bày tại kỳ họp thì năm 2014, với nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị, tinh thần vượt khó, lao động sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh điều hành, tổ chức thực hiện linh hoạt, quyết liệt, nên tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách trên địa bàn và giá trị xuất khẩu đều vượt kế hoạch.
 
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 2,2% so với năm 2013 và vượt mức kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 11.500 tỉ đồng, vượt kế hoạch 6,7%, trong đó, sản lượng nhà máy lọc dầu Dung Quất vượt kế hoạch 0,94%. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản  ước khoảng 3.294 tỉ đồng, tăng 4,3% so với năm 2013 và đạt xấp xỉ mức kế hoạch cả năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt  hơn 28.069 tỷ đồng, vượt 11,3% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất ước đạt 23.000 tỷ đồng, vượt 18,4% kế hoạch. 
 
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Các đồng chí chủ trì kỳ họp.
 
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 14.677 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2013, vượt kế hoạch. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.215 USD, vượt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 650 triệu USD, vượt 36,8% so với kế hoạch. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được củng cố, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 24. Hoạt động văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ và khởi sắc. 
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư gần 300 tỉ đồng từ các nguồn vốn do tỉnh quản lý, trong đó tập trung cho 17 xã có khả năng đạt tiêu chí xã nông thôn mới trong năm 2015. Kết quả đến cuối năm 2014 có 1 xã đạt 18 tiêu chí, 39 xã đạt 10-19 tiêu chí. Chất lượng giáo dục được củng cố và cải thiện, cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư. Chất lượng khám chữa bệnh, vấn đề y đức và tinh thần phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ được nâng lên một bước. 
 
Công tác lao động, giảm nghèo, chính sách dân tộc miền núi thực hiện ngày càng tốt và đầy đủ. Lĩnh vực văn hóa- thể thao và du lịch có nhiều hoạt động sôi nổi. Hoạt động báo chí thông tin phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền các Nghị quyết, các kết luận, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của tỉnh. Công thanh tra, tiếp công dân, và giải quyết khiếu nại, tố cáo được các ngành các cấp quan tâm thực hiện. Công tác quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 
Năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, đó là tổng sản phẩm trong tỉnh (GDRP) tăng 7-8%, trong đó  tổng sản phẩm không tính sản phẩm lọc hóa dầu tăng 8-9%. GRDP bình quân đầu người 2.485 USD/người/năm. Công nghiệp-xây dựng tăng 6-7%, dịch vụ tăng 12-13%. Nông- lâm nghiệp và thủy sản tăng 2-3%. Sản lượng thủy sản đánh bắt và nuôi trồng 157.170 tấn. Kim ngạch xuất khẩu 545 triệu USD.
 
Tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 33.333 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 15.120 tỷ đồng. Số giường bệnh/1 vạn dân là 21,6 giường (không tính trạm y tế xã). Tỉ lệ trạm y tế có bác sĩ 100%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,29%/năm, trong đó miền núi giảm 7%/ năm. Tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 50%, tỉ lệ cây xanh đô thị 70%. Tuyển quân đạt 100%. Xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng- an ninh đạt 92%, trong đó xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện 55%...
 
Phát biểu thảo luận tại kỳ họp, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2014 của tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều hạn chế cần phải khắc phục trong năm 2015 và những năm đến.
 
Đại biểu tham gia thảo luận tại kỳ họp.
Đại biểu tham gia thảo luận tại kỳ họp.
 
Đại biểu Phan Bình, huyện Nghĩa Hành cho rằng, về xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều điều để bàn. Thời gian qua việc đầu tư cho xây dựng nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Hầu hết các xã trong tỉnh cho rằng đã cơ bản hoàn thành quy hoạch, nhưng thực tế tình trạng đối phó vẫn còn nhiều. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới cũng còn nhiều hạn chế, thậm chí ở các xã điểm. Vì vậy, tỉnh cần chỉ đạo mạnh hơn trong việc xây dựng nông thôn mới, không nhất thiết đầu tư dàn trải mà tập trung vào những xã điểm, từ đó nhân rộng. Ngoài ra, xây dựng nông thôn mới phải lấy nông dân và doanh nghiệp làm chủ thể chính.
 
Đại biểu Phạm Viết Nho
Đại biểu Phạm Viết Nho
Cũng liên quan đến xây dựng nông thôn mới, đại biểu Phạm Viết Nho, huyện Ba Tơ nói, nguồn vốn đầu tư cho nông thôn mới hạn chế nên rất khó phát triển. Ở các huyện miền núi, người nông dân còn nghèo thì khó có thể huy động sức dân để phát triển nông thôn mới mà nhà nước hầu như phải đầu tư toàn bộ. Phải ưu tiên vốn đầu tư cho các huyện nghèo, an toàn khu, huyện 30a theo quy định và nên ưu tiên đầu tư có trọng điểm.
 
Đại biểu Phạm Viết Nho cho rằng, thời gian qua ta cứ nói trồng cây gì, nuôi con gì cho các huyện miền núi nhưng nói chung chung thế thì rất khó, phải có cây, con gì cụ thể mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân. Điển hình như cây mía, vài năm trước rất hiệu quả, nhưng giờ giá trị thấp, năng suất chất lượng không cao nên không hấp dẫn người dân.
 
Rồi tình trạng người dân, nhất là đồng bào miền núi lâu nay khá bức xúc trước tình trạng sinh viên đại học, cao đẳng ra trường nhưng thiếu việc làm và đành chấp nhận làm ăn xa. Vì vậy cần phải tính đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm như thế nào. Đại Phạm Viết Nho đề nghị xem lại số liệu giảm nghèo ở các huyện miền núi, bởi tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi giảm rất ít. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có biện pháp xử lý cương quyết và thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp sử dụng đất không hợp lý để giao lại cho dân sản xuất.
 
Đại biểu Đặng Ngọc Dũng.
Đại biểu Đặng Ngọc Dũng.
Cũng liên quan đến giải quyết việc làm, Đại biểu Đặng Ngọc Dũng, huyện Sơn Hà ý kiến, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động miền núi là một bài toán khó. Đã đào tạo thì phải có việc làm, không nên đào tạo thì cứ đào tạo, còn có việc làm hay không thì chưa tính. Người dân ở miền núi có nhu cầu có việc làm rất lớn, nên hà hơi tiếp sức, không để họ tụt mất niềm tin. 
 
Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư hơn nữa đối với các huyện miền núi. Ở miền núi trên tất cả các lĩnh vục đều rất thiếu vốn, vì vậy trong việc bố trí vốn cần tính đến các huyện miền núi, nhất là hạ tầng văn hóa, xã hội. Bởi vì việc bố trí vốn không đều sẽ không mất cân đối cho các ngành, lĩnh vực.
 
Đại biểu Hồ Hoàng Thái, huyện Tây Trà cho rằng, việc nhà nước hỗ trợ xây nhà 167 cho người dân với mức quá thấp nên người dân không thể làm nhà kiên cố. Vì vậy, tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ để tạo điều kiện cho người dân được làm nhà. Hiện nay, huyện Tây Trà còn có 2 xã chưa có đường giao thông đó là Trà Nham và Trà Lãnh nên rất khó khăn cho việc đi lại, nhất là vào mùa mưa. Tình trạng phá rừng  đầu nguồn Hồ chứa nước Nước Trong đang  diễn ra, vì vậy cần tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát…
 
Sáng nay 11.12, kỳ họp thứ 14 tiếp tục chương trình làm việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các bản tin sau.
 
M.Toàn (ghi)
 
 

.