(Baoquangngai.vn)- Quảng bá, phát triển du lịch trên cơ sở chuyển đổi số được coi là tương lai của ngành “công nghiệp không khói”. Cùng với xu thế chung của cả nước, ngành du lịch Quảng Ngãi đang tăng cường các giải pháp đồng bộ và toàn diện cho công cuộc chuyển đổi số để kết nối, tạo bức phá phát triển du lịch.
[links()]
Ứng dụng công nghệ thúc đẩy du lịch phát triển
Cùng với xu thế chung của cả nước, ngành du lịch tỉnh xác định chuyển đổi số là một giải pháp căn bản, tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Để hiện thực hóa định hướng này, thời gian qua, ngành du lịch Quảng Ngãi đang từng bước nỗ lực ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Văn Tiến cho biết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Sở VHTT&DL đã xây dựng và đưa vào vận hành App Du lịch Quảng Ngãi. Đây là một công cụ hiện đại ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động marketing du lịch, đưa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến gần du khách nội địa cũng như quảng bá đưa doanh nghiệp du lịch kết nối cộng đồng du lịch toàn cầu một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian, đáp ứng xu hướng hiện đại, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, thúc đẩy du lịch phát triển.
App Du lịch Quảng Ngãi bao gồm các nội dung giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, lịch sử của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, các thông tin về hoạt động du lịch nói riêng và các liên kết kết tiện ích như: Tìm kiếm trải nghiệm du lịch nhanh chóng và thông minh, cung cấp hệ thống đặt chỗ dịch vụ du lịch, liên hệ đơn vị hỗ trợ, đơn vị vận hành, thông tin tiện ích, xây dựng lịch trình,...Qua đó, cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ trong lĩnh vực du lịch tạo ra một số dịch vụ tiện ích cho người dân, khách du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành.
Nếu những năm trước, câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh về tiềm lực tài chính, thì nay chính đại dịch Covid-19 đã đưa ra một yêu cầu cấp thiết đó là chuyển đổi số trong mọi doanh nghiệp. Không nằm ngoài sự phát triển đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng những kênh giao tiếp với khách hàng một cách gần gũi và hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ.
Giám đốc Công ty du lịch Việt Á Châu Nguyễn Hữu Phước cho biết, tận dụng các ứng dụng công nghệ, chúng tôi đã triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ngãi, các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch,… của Công ty trên những nền tảng mạng xã hội như: Website , facebook, youtube, zalo, tiktok…. Đây là phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu thế. Thông qua các nền tảng xã hội, khách du lịch cũng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm du lịch của Công ty hơn.
|
Các doanh nghiệp du lịch trên xây dựng những kênh giao tiếp với khách hàng một cách gần gũi và hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ. |
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Văn Tiến, thời gian qua, App Du lịch Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực từ doanh nghiệp du lịch cũng như du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của App Du lịch Quảng Ngãi nói riêng và hoạt động chuyển đổi số nói chung còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin và chuyên môn trong lĩnh vực chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn còn rất yếu về nguồn vốn, nguồn nhân lực nên rất hạn chế, lúng túng với chuyển đổi số. |
Ngày nay, với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, ai cũng có thể ngồi ở nhà để đặt tour, đặt vé máy bay, tàu hỏa, ô tô hoặc phòng nghỉ khách sạn, homestay và lên kế hoạch trước cho chuyến đi du lịch của mình. Dễ nhận thấy thị trường du lịch có sự chuyển đổi từ phương thức tiếp cận truyền thống sang xu hướng trực tuyến.
Anh Nguyễn Thành Chung, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, nhờ ứng dụng công nghệ số, đã giúp tôi dễ dàng tiếp cận các thông tin, địa điểm du lịch, khu vui chơi, giá cả dịch vụ… tại Quảng Ngãi thông qua các ứng dụng phổ biến, như: Google, facebook, zalo,… Chỉ với những từ khóa “Địa điểm du lịch Quảng Ngãi”, “ cảnh đẹp Quảng Ngãi” “lưu trú Quảng Ngãi”… tôi và các bạn của mình có thể lựa chọn các loại hình, địa điểm du lịch phù hợp với nhu cầu bản thân. “Việc này rất thuận tiện, giúp chúng tôi giảm thời gian và chi phí, có thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi”, anh Chung cho hay.
Nỗ lực số hóa ngành du lịch
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, cạnh tranh dịch vụ không chỉ về giá, chất lượng, mà còn là tiện ích công nghệ, thói quen tiêu dùng mới. Vì vậy, số hóa ngành du lịch ngày nay không chỉ là một chiến lược tùy chọn mà trở thành xu hướng tất yếu phải được thực hiện.
Tuy nhiên, để thực hiện số hóa các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Để số hóa được tài nguyên du lịch cần phải số hóa được tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Các di sản văn hóa, lịch sử và danh thắng là sản phẩm du lịch. Do đó, việc đẩy mạnh số hóa các điểm đến cũng đồng nghĩa với việc số hóa di sản và danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi.
|
Quảng bá, phát triển du lịch trên cơ sở chuyển đổi số được coi là tương lai của ngành "công nghiệp không khói". |
Để số hóa ngành du lịch, trước mắt tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng, có điều kiện thuận lợi, khả năng đáp ứng kinh phí để thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping, ứng dụng thẻ du lịch thông minh; tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử tại các điểm du lịch; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm đến du lịch thông qua nền tảng số...
Đồng thời, phối hợp triển khai, kết nối liên thông với các nền tảng số của Tổng cục Du lịch để triển khai đồng bộ, hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin của ngành.
Năm 2022, Quảng Ngãi đón 650 nghìn lượt khách, đạt 91% so với kế hoạch, tăng gấp 2,17 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đạt 11 nghìn lượt khách, đạt 55% so với kế hoạch, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch đạt 700 tỷ đồng, đạt 72% so với kế hoạch, tăng gấp 2,98 lần so với cùng kỳ năm trước. |
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Văn Tiến cho rằng, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự tham gia quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cùng sự chủ động, sáng tạo từ phía doanh nghiệp. Do đó, cần phải huy động được sự tham gia rộng rãi của các chủ thể phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Đồng thời, nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng đóng góp, chia sẻ, khai thác hệ thống thông tin chung, cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
“Hy vọng, cùng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cùng với sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong thời gian tới, hệ sinh thái du lịch thông minh được xây dựng hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung trên trường quốc tế”, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bùi Văn Tiến chia sẻ.
BẢO NGỌC