Trà Bồng: Người dân phá rừng, ngành chức năng nói khó xử lý

08:12, 05/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Công an xã Sơn Trà phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn và làm rõ nhiều nhà dân ở thôn Trà Ong, xã Sơn Trà (Trà Bồng) tàng trữ số gỗ chặt hạ trái phép trên, nhưng đến nay, lực lượng kiểm lâm đang gặp khó khăn trong việc tịch thu gỗ, tham mưu xử phạt theo quy định pháp luật.
[links()]
Tại khu vực thuộc lô 2, 3, 15, khoảnh 2, tiểu khu 64, khu vực núi Ta Lét, thuộc xã Sơn Trà, lực lượng chức năng xã Sơn Trà phát hiện 12 cây gỗ dẻ đỏ, đường kính từ 60 - 80cm bị cưa hạ. Đây là khu rừng đã được UBND huyện Tây Trà (cũ) quyết định tạm giao cho UBND xã Trà Quân (nay là xã Sơn Trà) quản lý. 
Nhiều cây rừng có đường kính lớn ở khu vực núi Ta Lét, xã Sơn Trà (Trà Bồng) bị đốn hạ.
Nhiều cây rừng có đường kính lớn ở khu vực núi Ta Lét, xã Sơn Trà (Trà Bồng) bị đốn hạ.
Về thôn Trà Ong, xã Sơn Trà dễ dàng bắt gặp nhà người dân chất đầy gỗ đã được xẻ thành phách dài. Nhiều hộ dân phát hiện người lạ đã vội khóa cửa rời khỏi nhà. Ông Hồ Văn Ôn, một người dân nơi đây thừa nhận cưa hạ 2 cây dẻ đỏ ở núi Ta Lét để lấy gỗ. Sau đó, thuê một số người xẻ ra từng phách chở về nhà. "Việc chặt hạ cây đem về nhà tôi không biết là vi phạm pháp luật. Tôi lên rừng, thấy cây nào "vừa mắt" thì chặt thôi", ông Ôn giải thích.
 
Hiện nay, Hạt kiểm lâm huyện Trà Bồng đã điều tra và làm rõ vụ việc 13 hộ dân ở thôn Trà Ong cưa hạ nhiều cây gỗ tại núi Ta Lét, thuộc tiểu khu 64 đem về nhà. Chủ tịch UBND xã Sơn Trà Hồ Văn Lâm cho biết: "UBND xã đề nghị kiểm lâm địa bàn không cho người dân tiếp tục lên rừng cưa hạ cây lấy gỗ. Địa phương đang tập trung xuống tận thôn tuyên truyền để người dân không vi phạm pháp luật".
 
Theo Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Trà Bồng Lê Văn Tuấn, mặc dù đã làm rõ những người trực tiếp chặt hạ cây lấy gỗ, số người tàng trữ gỗ, nhưng việc thu hồi gỗ cũng như xử lý người khai thác đang gặp khó khăn. Hiện số gỗ chất trong nhà dân, mà lực lượng kiểm lâm không được phép vào nhà để kiểm tra, do đó cần phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, người dân không tự giác giao nộp số gỗ trên cho kiểm lâm, nên rất khó xử lý", ông Tuấn nói.
 
Bài, ảnh: Thành Sự
 
 
 

.