(Báo Quảng Ngãi)- Từ xưa đến nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn là đề tài được bàn luận nhiều. Khi nhắc đến mối quan hệ này, người ta thường hay nghĩ đến sự bất hòa, mâu thuẫn.
Mẹ tôi giờ đã bước sang tuổi 80 nhưng bà vẫn còn nhớ rất nhiều về thời gian bà về làm dâu nhà chồng. Bà nội tôi là một người phụ nữ phong kiến, bà lấy phép tắc, lễ nghi để ứng xử với con dâu. Mẹ tôi được sinh ra trong một gia đình khuôn phép, ông ngoại mất sớm, bà ngoại nuôi dạy mẹ chuẩn chu theo lễ giáo. Về làm dâu, mẹ sống cam chịu, nhiều lúc phải nhẫn nhục để giữ hòa khí trong gia đình. Gia đình ông nội tôi đông con, nhưng mẹ tôi luôn có cách ứng xử với cha, mẹ chồng và luôn được những bác, thím dâu trong gia đình thương yêu.
Những tháng ngày cơ cực, thấm đẫm cả nước mắt bởi những nguyên tắc, khuôn phép từ phía mẹ chồng, mẹ tôi vẫn chịu đựng được. Kiểu người phụ nữ xưa như mẹ chắc hẳn đã thấm sâu tư tưởng “tam tòng, tứ đức” mà cứ thế an lòng phụng sự gia đình chồng, không một lời ca thán, một hành động trái nghĩa, cạn tình. Mẹ một đời làm dâu trọn vẹn hiếu nghĩa. Và dẫu mẹ trải qua những tháng ngày “phận làm dâu” như thế, nhưng giờ mẹ sống với con dâu mình rất hiện đại. Có lẽ bà đã thấm được nỗi cơ cực của mình và muốn con dâu mình không phải như vậy.
|
Yêu thương là sợi dây gắn kết giữa mẹ chồng và nàng dâu. (Ảnh minh họa) |
Mẹ luôn ân cần, nhẹ nhàng với con dâu, thương quý như nhau, từ dâu cả đến dâu út. Có việc gì mẹ chỉ la rầy con trai mình chứ không bao giờ nặng lời với con dâu. Mẹ luôn khuyên các con dâu của mình tập trung lo cho công việc, vun vén cho mái ấm gia đình, nuôi dạy các cháu trưởng thành. Với mẹ, nhìn thấy gia đình các con hạnh phúc là mẹ vui và hạnh phúc. Hiếu nghĩa đối với ba mẹ là các con phải sống hạnh phúc. Mẹ luôn căn dặn vậy với các con dâu của mình.
Và rồi, cuộc sống hiện đại, dù biết rằng chúng ta cứ mãi miết trong cuộc kiếm tìm danh lợi hay tiền tài, nhưng chúng ta vẫn không quên nghĩa vụ chăm lo của mình đối với cha mẹ. Làm dâu thời hiện đại không còn là những lễ nghi hà khắc, mà là những yêu thương dành cho nhau giữa cha mẹ chồng với con dâu và ngược lại. Làm phụ nữ thì dù có bình đẵng đến mấy thì công, dung, ngôn, hạnh cũng phải giữ và luôn trau dồi. Lời ăn tiếng nói và cách cư xử của con dâu mang tình cảm, kính trọng đối với mẹ chồng thì ắt sẽ nhận lại sự sẻ chia, cảm thông của họ.
Hoa là một giáo viên nhưng lại vừa làm thêm bên ngoài. Luôn bận rộn với công việc nhưng Hoa vẫn luôn dành thời gian cho gia đình. Mẹ chồng cô là một phụ nữ vẫn còn những nền nếp cũ, nhưng Hoa vẫn có cách giữ được hòa khí với mẹ chồng bằng những sẻ chia chân thực. Hai mẹ con thường chia sẻ với nhau chuyện gia đình. Thỉnh thoảng hai mẹ con còn mua tặng cho nhau những món quà như thỏi dầu, tấm vải hay chiếc mũ xinh xinh...Cuộc đi chơi nào hay du lịch xa gần, Hoa điều có món quà nhỏ về tặng mẹ. Dù không nặng nề về vật chất nhưng nó mang cả sự thương yêu quan tâm lẫn nhau, người mẹ nào không mong muốn được. Hoa luôn tâm sự với mẹ chồng những điều chân thật, những khó khăn của mình trong mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà, để hai mẹ con cùng xử trí. Hai mẹ con giờ như hai người bạn, sẻ chia những khó khăn, vui buồn với nhau. Ngôi nhà luôn rộn những tiếng cười và đầy ắp yêu thương.
Có thể bỏ qua những “rào cản” tư tưởng cổ hủ thời phong kiến, cũng như những định kiến về mẹ chồng - nàng dâu. Cuộc sống hiện đại cần phải có những ý nghĩ và hành động văn minh, lễ nghĩa và kính trọng bậc sinh thành, dù là cha mẹ ruột hay cha mẹ chồng đều phải yêu thương và kính trọng.
VÂN ĐAM
TIN, BÀI LIÊN QUAN: