Chuyên gia tâm lý chỉ cách ứng xử để tránh mâu thuẫn với mẹ chồng

03:09, 12/09/2014
.

Chuyện mâu thuẫn giữa nàng dâu và mẹ chồng là câu chuyện muôn đời, tuy nhiên nếu có được những bí quyết này, các nàng dâu có thể chung sống hòa hợp với mẹ chồng và gia đình nhà chồng mà không sợ mâu thuẫn xảy ra.
 
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, nguyên nhân của những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu thông thường xuất phát từ sự tranh chấp tình cảm của người con trai. Cả 2 người (mẹ chồng, nàng dâu) đều muốn sở hữu người đàn ông đó nên ai cũng có tâm lý ích kỷ.

Do đó để sống chung mà không có nhiều mâu thuẫn là cả một nghệ thuật. Ai cũng phải học cách tôn trọng, nhường nhịn, và quan tâm đến nhau.

Ngoài ra, để giữ cho mối quan hệ giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng được tốt đẹp thì người chồng là nhân tố vô cùng quan trọng. Người chồng có thể làm cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, nàng dâu với nhà chồng trở nên tồi tệ, nhưng cũng có thể làm cho mối quan hệ ấy trở nên gắn kết, vui vẻ, và hòa hợp với nhau.

Theo chuyên gia việc tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa nàng dâu và gia đình chồng, tốt nhất nên được thực hiện ngay từ đầu. Bởi khi đã có mâu thuẫn thì dù người chồng có khéo léo, kiên quyết đến đâu cũng sẽ khó mà tìm ra cách giải quyết triệt để.
 

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


Vì thế, ngay từ ngày dẫn bạn gái về ra mắt gia đình, chàng trai phải giúp bạn gái của mình tạo được thiện cảm với mẹ, với gia đình mình. Khi đó, người con trai phải hiểu được tâm lý của mẹ, hiểu được sở thích của mẹ để tư vấn cho bạn gái trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử...

Sau đó, khi đã kết hôn, cách tốt nhất là nên sống riêng để giảm bớt những mâu thuẫn có thể gặp phải trong quá trình chung sống. Còn nếu không thể sống riêng và hoàn cảnh bắt buộc phải chung sống với bố mẹ, anh chị chồng thì mỗi người đều phải bớt đi tính ích kỷ của mình, bớt cái tôi cái nhân, phải biết tôn trọng nhau và quan tâm lẫn nhau.

Một người chồng lấy vợ về, chỉ biết đến vợ, chăm sóc vợ, yêu chiều vợ mà quên mất mẹ, bơ mẹ đi thì việc mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ắt sẽ xảy ra.

Nàng dâu lúc nào cũng cho rằng mình đúng, mình giỏi, mình hiểu biết mà không tôn trọng ý kiến của chồng, của bố mẹ chồng thì cuộc sống gia đình sẽ không bao giờ yên ấm.

“Tốt nhất, khi làm bất cứ một việc lớn nào đó, nàng dâu nên hỏi qua ý kiến của chồng, của bố mẹ chồng. Sau đó, nếu không nhận được sự đồng ý thì nàng dâu nên nhẹ nhàng giải thích, tìm dẫn chứng thích hợp để vừa có thể bảo vệ được quan điểm của mình mà lại khiến chồng, khiến bố mẹ chồng tôn trọng.

Ví như, nàng dâu muốn mua một bộ bàn ghế salon theo kiểu hiện đại, nhưng mẹ chồng lại muốn mua một bộ truyền thống thì cách giải quyết tốt nhất là nàng dâu nên dẫn mẹ đến những nơi bày bán các loại bàn ghế salon hiện đại để mẹ chồng thấy được vẻ đẹp, vẻ tiện dụng và sự phù hợp của nó khi đặt trong ngôi nhà mình. Từ đó, bà ấy sẽ tự thay đổi quan điểm của mình” – Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa bật mí.

Bên cạnh những mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu về ý ăn ý ở, trong quá trình chung sống, các nàng dâu và mẹ chồng còn thường mâu thuẫn với nhau về cách chăm sóc, dạy dỗ con cái.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, thông thường, ở các bà mẹ chồng, nhất là những bà mẹ chồng có độ tuổi lớn, quan điểm về cách chăm sóc dạy dỗ con trẻ sẽ khác rất nhiều so với quan điểm của các nàng dâu hiện đại.

Do đó, nếu không có nghệ thuật thuyết phục mà cứ làm theo ý mình và phê phán cách làm của mẹ chồng thì từ những mâu thuẫn nhỏ sẽ dẫn đến những mâu thuẫn lớn, thậm chí lớn đến mức không thể giải quyết.

“Rồi khi mâu thuẫn, nhiều phụ nữ cho biết, họ chọn cách im lặng, mặc mẹ chồng muốn nói gì thì nói hoặc cứ vâng dạ cho qua chuyện nhưng việc mình làm mình vẫn làm thì theo tôi, cách xử lý như vậy là không khôn ngoan, không hiệu quả. Thậm chí còn tạo nên mâu thuẫn lớn hơn” – Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.

Vẫn theo ông Trịnh Trung Hòa, khi đó bà mẹ chồng sẽ cảm thấy không được tôn trọng và ấn tượng không tốt về nàng dâu sẽ ngày một lớn hơn. Bởi theo tâm lý thông người, ai cũng muốn được tôn trọng, nhất là những người già. Họ sẽ rất vui nếu con cái làm gì cũng hỏi qua ý kiến của họ.

Thế nên, phải nhắc lại rằng, sẽ không có cặp vợ chồng nào, mẹ chồng nàng dâu nào có thể chung sống với nhau nếu như không có sự tôn trọng, nhường nhịn và quan tâm lẫn nhau. Cũng như không thể có sự hòa hợp nào nếu như ai cũng cứ giữ khư khư cái tôi cá nhân của mình.

Tất nhiên, mẹ chồng cũng phải vậy. Để có thể chung sống, ngoài sự cố gắng của các nàng dâu, các anh chồng thì mẹ chồng, bố chồng cũng cần phải có sự thay đổi để dung hòa cuộc sống chung. Bởi một mối quan hệ sẽ không thể tốt đẹp nếu như chỉ một phía cố gắng.

Còn nếu như cuộc sống chung đã xảy ra những mâu thuẫn quá lớn và không thể giải quyết thì lời khuyên của nhà tâm lý là người phụ nữ nên tìm lối thoát cho mình, tránh trường hợp phải sống quá lâu trong giận hờn, ức chế, bế tắc... sẽ dẫn đến trầm cảm.

Rồi một ngày nào đó, chỉ cần thêm một giọt nước tràn ly, người phụ nữ yếu mềm, không tự chủ được bản thân sẽ có những hành động sai lầm, tước bỏ đi sinh mạng mà bố mẹ ban cho mình, thậm chí là tước đi sinh mạng của những đứa trẻ ngây thơ vô tội.



Theo vietnamnet.vn


.