Hiệu quả từ phát triển kinh tế hộ gia đình

09:29, 08/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ biết tính toán, đầu tư mô hình kinh tế có hiệu quả, một số hội viên nông dân xã Bình Chương (Bình Sơn) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khởi nghiệp từ... cơm cháy

Đó là chuyện về anh Phạm Văn Bình (33 tuổi) ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương. Sinh ra ở vùng đất thuần nông, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng gia đình anh Bình vẫn không khấm khá lên được. Trăn trở nghĩ cách làm giàu, năm 2020, trong 1 lần đi tham quan ở tỉnh Đắk Lắk, anh thấy nhiều gian hàng bán cơm cháy cho khách dọc bên đường, nên nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với món cơm cháy mỡ hành. Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu về cách làm và kỹ thuật bảo quản cơm cháy, cuối cùng mẻ cơm cháy mỡ hành đầu tiên do anh làm cũng chính thức được ra lò vào đầu năm 2021.

Cơ sở sản xuất đậu phụ của chị Bùi Thị Liễu (43 tuổi) ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn).

Hiện nay, bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất cơm cháy mỡ hành của anh Bình làm ra từ 2.600 - 2.800 bánh. Cơm cháy do cơ sở anh làm ra không chỉ thơm ngon mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên tiêu thụ mạnh và được bán đi khắp các tỉnh, thành phố. Nghề làm cơm cháy giúp vợ chồng anh Bình mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 10 lao động là hội viên nông dân địa phương.

Nghề phụ, thu nhập chính

Ngoài nghề chính là nông nghiệp, chị Bùi Thị Liễu (43 tuổi) ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương còn có thêm nghề "tay trái" để tăng nguồn thu nhập cho gia đình, đó là nghề làm đậu phụ. Chị Liễu chia sẻ, chị đến với nghề như một cơ duyên khi được một người bạn ở ngoài Hà Nội giới thiệu về nghề và hướng dẫn mua máy móc, cũng như cách làm đậu phụ. Sau khi bàn bạc với gia đình, chị Liễu quyết định mua máy về làm thử, với ý định làm ra sản phẩm sạch để bán cho người dân địa phương. Càng ngày, người dân xung quanh đến mua càng nhiều. Từ đó, tiếng lành đồn xa, cơ sở của chị Liễu ngày càng nhận được nhiều đơn hàng của tiểu thương ở các chợ.

“Nghề làm đậu phụ bây giờ có nhiều khâu sử dụng máy móc nên đỡ cực hơn. Chỉ có công đoạn nấu đậu là hơi vất vả. Gần một năm nay tôi đầu tư máy xay đậu, lượng điện tiêu thụ cũng cao, nhưng đỡ cực hơn làm thủ công”, chị Liễu bộc bạch. 
Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất đậu phụ của chị Liễu làm ra khoảng 50- 60kg sản phẩm, được bán với giá 5.000 đồng/miếng đậu tươi. Nhờ nghề làm đậu phụ mà mỗi năm sau khi đã trừ chi phí chị Liễu có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. “Tiêu chí của tôi là làm ra sản phẩm sạch. Toàn bộ quá trình làm đậu phụ, tôi sử dụng 100% đậu nành nguyên chất và ủ men tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng thêm các loại nguyên liệu, chất phụ gia nào khác. Ðó cũng là cách để khách hàng tin tưởng, giúp tôi trụ vững với nghề trong suốt thời gian qua”, chị Liễu chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chương Nguyễn Bảo Khánh cho biết, cơ sở sản xuất cơm cháy mỡ hành của anh Phạm Văn Bình và cơ sở sản xuất đậu phụ tươi của chị Bùi Thị Liễu được xem là mô hình kinh tế hộ gia đình đạt hiệu quả nhất của hội viên nông dân địa phương. Những mô hình này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho chủ cơ sở sản xuất mà còn tạo được việc làm cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Bài, ảnh: K.TRANG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:29, 08/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.