(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, tre không còn mọc như lũy, như thành, len lỏi từng ngõ xóm, góc nhà như thuở trước. Song, ở những làng nghề truyền thống làm các vật dụng từ tre, mọi người vẫn nỗ lực giữ nghề.
Lũy tre làng. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Ngót nghét 30 năm gắn bó với nghề làm thang tre, giường tre, ông Lê Văn An (63 tuổi), ở đội 1, thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), thuộc nằm lòng những vùng có nhiều diện tích tre gai, tre làng ngà. Vậy mà giờ, rong ruổi khắp các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Đức... không phải lúc nào vợ chồng ông An cũng mua được tre. “Tre trồng dọc sông thì không ai bán, vì đó là tre giữ đất, ngăn sạt lở. Còn tre trong vườn, hầu như không còn mấy nhà giữ lại. Nhiều nhà, mới năm trước còn một vườn toàn tre là tre, nhưng năm sau đã chặt bỏ để làm tường rào bê tông. Thành thử, giờ để mua được những cây tre già, khó như ngày xưa người ta đi tìm trầm", ông An bộc bạch.
Những vật dụng làm từ tre của người dân xóm đan, thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi).
Ảnh: Ý THU
|
Ông Nguyễn Quả (59 tuổi), ở thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) rời nhà lúc rạng sáng để lên huyện Sơn Tây tìm mua tre và trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối. Ông Quả rầu rĩ bảo, hai năm nay, tôi phải lặn lội lên các huyện miền núi của tỉnh như Sơn Tây, Trà Bồng để tìm tre. Tre Quảng Ngãi có 3 loại chính là tre gai, tre cơm, tre làng ngà, nhưng chỉ có tre cơm là đủ độ dẻo dai để đan những chiếc giỏ tre, vỉ tre bền, đẹp... Vậy nên, một cây tre cơm có giá lên đến 70 nghìn đồng, cao gần gấp đôi so với giá của năm 2020, nhưng nhiều khi tôi cũng phải lặn lội vượt chặng đường cả trăm cây số để tìm mua.
Gắn bó với nghề làm giường tre, vợ chồng ông Lê Văn An làm việc quần quật. Người chuốt nan tre rồi thoăn thoắt đôi tay đan vạt giường, người hì hục cưa, đục thân tre để ráp khung giường. Để làm ra một chiếc giường tre, ông An cần chừng 1,5 cây tre làng ngà. Một cây tre có giá 70 nghìn đồng, làm một chiếc giường tre tốn hơn 100 nghìn đồng tiền nguyên liệu. Ấy vậy mà, ông An bán mỗi chiếc giường tre với giá chỉ 140 nghìn đồng.
"Tiền công làm giường của hai vợ chồng tôi một buổi, được hơn 30 nghìn đồng. Nghe thì bèo bọt, nhưng bù lại, vì bán với giá rẻ, nên giường tre, thang tre nhà tôi được người ta mua nhiều. Ở cái tuổi này, được làm việc tại nhà, được luôn tay luôn chân làm công việc mình thích, được chứng kiến mọi người vẫn đến tìm mua thang tre, giường tre, tôi vất vả mấy cũng thấy mừng", bà Trần Thị Lệ (vợ ông An) nói.
Vợ chồng ông Lê Văn An, ở thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) hằng ngày làm thang tre để mưu sinh. Ảnh: Ý THU |
Thoăn thoắt đôi tay chuốt tre cho những người thợ tại xưởng kịp đan giỏ tre, ông Nguyễn Quả nhớ lại, ngày trước, thời cha tôi, xóm này có hơn 100 hộ dân làm nghề tre đan. Đến thế hệ của tôi, xóm còn chừng 30 - 40 hộ làm nghề. Còn 3 năm trở lại đây, khi tre khan hiếm và có giá đắt đỏ, cả xóm chỉ còn chừng 10 hộ giữ nghề. Để trụ được với nghề, phải chịu khó đi kiếm tre, vừa phải tự cắt giảm lợi nhuận, chỉ lấy công làm lời, chứ nếu mình lấy giá cao, người ta sẽ không mua, mà chuyển sang dùng thùng xốp, giỏ kim loại để thay thế.
Ông Nguyễn Nương, ở thôn Điện An 1, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa),mang thang tre từ quê ra phố. Ảnh: Ý THU |
Là người chứng kiến thăng trầm của làng nghề, ông Quả, ông An có cái lý của riêng mình khi lựa chọn cắt giảm đi lợi nhuận để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm từ tre. Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, làng nghề tre đan Cộng Hòa 1 và Điện An 1 từng đứng trước nhiều trầm lắng vì thời cuộc. Vào những năm 2000, khi các loại đồ dùng bằng nhựa giá rẻ như thau, rổ và các loại tấm vải bạt bắt đầu bày bán tràn lan, cũng là lúc các sản phẩm nong, nia, rổ, mủng tre ở thôn Cộng Hòa 1 rơi vào cảnh ế ẩm. Tại Điện An 1, thoạt đầu, xóm này nổi tiếng với nghề đan gàu tát nước bằng tre. Đến năm 1997, 1998, khi các loại xe đạp nước bắt đầu bày bán đại trà, cũng là lúc sản phẩm truyền thống của làng dần bị quên lãng.
Những người phụ nữ ở xóm đan thôn Cộng Hòa 1 xem nghề đan tre là kế mưu sinh. Ảnh: Ý THU |
Không đành lòng nhìn nghề tre đan "chết yểu", người dân ở thôn Cộng Hòa 1 chuyển hướng sang đan các giỏ tre theo đơn đặt hàng của thương lái. "Các thương lái xuất bán cau sang Trung Quốc đặt mua các giỏ tre. Giỏ tre giúp cau được thoáng khí hơn so với các thùng xốp, giá lại mềm hơn so với các giỏ kim loại. Vì vậy, sản phẩm giỏ đựng cau lúc nào cũng cháy hàng", ông Nguyễn Thuận, một hộ dân làm nghề tre đan ở thôn Cộng Hòa 1, nhớ lại.
Tuy nhiên, sản phẩm giỏ đựng cau của thôn Cộng Hòa 1 chỉ hưng thịnh được vài năm. Dần dà về sau, khi thương lái bắt đầu sử dụng xe đông lạnh để chở cau, cũng là lúc mặt hàng này không còn chiếm ưu thế. Còn tại thôn Điện An 1, dù mọi người đã nhạy bén, linh hoạt chuyển từ đan gàu tre sang làm thang và giường tre, nhưng khi thang kim loại có thể gấp gọn và các loại giường inox, sắt... xuất hiện, cũng là lúc người làm nghề gặp nhiều khó khăn so với trước.
Ở thôn An Lộc, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), tre được người dân trồng dọc sông để giữ đất, giữ làng. Ảnh: Ý THU
|
Những người thợ ở Điện An 1, Cộng Hòa 1 nỗ lực giữ nghề truyền thống. Họ đẩy từng chiếc thang tre, giường tre từ làng ra phố để chào mời. Họ đến từng tiệm bán hoa để chào bán các giỏ tre đựng hoa... Mỗi người đều mang trong lòng niềm hy vọng về ngày mai, về ngày mà những vật dụng từ tre - gần gũi và ấm tình, được mọi người sử dụng phổ biến trở lại.
Để tên nghề, tên làng không còn là hoài niệm
"Tôi nỗ lực giữ lấy nghề để tên làng gắn với tên nghề của chúng tôi sẽ không còn là hoài niệm như cái tên chợ Tre ở xã Nghĩa Phương. Đây là chợ một thời thương lái đến từ khắp mọi nơi tìm về bán tre, vậy mà giờ chẳng còn lấy một dấu tích...", ông Lê Văn An trải lòng. |
Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: