((Báo Quảng Ngãi)- Đất nước Myanmar có nhiều nét văn hóa độc đáo, thu hút du khách trên khắp thế giới, trong đó có nghệ thuật trang điểm bằng bột Thanakha.
Hai mẹ con đi lễ chùa với chùm hoa ngọc lan và gương mặt được trang điểm bằng bột Thanakha. |
Đất nước Myanmar nằm ở khu vực Đông Nam Á, với hơn 90% dân số theo đạo Phật. Tại bất kỳ thành phố, thị trấn, làng quê nào trên đất nước này cũng đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Myanmar là một quốc gia đa sắc tộc với hơn 100 dân tộc, tộc người khác nhau, trong đó người Bamar chiếm đa số. Tuy các tộc người sống ở nhiều tiểu bang khác nhau, phong tục, tập quán khác biệt, nhưng lại có chung về tập quán trang điểm, đó là việc sử dụng cây Thanakha để làm đẹp, bảo vệ cơ thể và tạo nên diện mạo, sắc thái riêng biệt. Người dân Myanmar dành nhiều thời gian để đi lễ chùa. Khi đi lễ, đàn ông hay đàn bà đều mặc bộ trang phục với chiếc váy longyi truyền thống và gương mặt được “make up” bằng bột Thanakha.
Đất nước Myanmar có nhiều công trình kiến trúc đền, chùa. |
Không chỉ có bề dày văn vật, di sản liên quan đến Phật giáo, mà Myanmar còn có nhiều điều “độc lạ” như tộc người cổ dài, tộc người xăm mặt và truyền thống trang điểm bằng bột cây Thanakha. Theo các tài liệu thư tịch cổ, tập tục trang điểm ở Myanmar bắt đầu từ cách đây hơn 2.000 năm. Nó được minh chứng qua lời bài hát, bài thơ, những câu thơ cổ đại và di vật của người xưa liên quan đến tập tục trang điểm độc đáo này. Có thể tìm thấy nhiều hiện vật từng được người xưa sử dụng vào mục đích trang điểm, tiêu biểu như cục đá mài Thanakha của công chúa Datukalayar, con gái của vua Bayinnaung (thế kỷ XV). Hiện vật này được xem như bảo vật, đang được lưu giữ, trưng bày ở bảo tàng chùa Shwe Maw Daw tại thành phố Bago. Đây là bằng chứng sinh động về truyền thống trang điểm Thanakha trong nhiều thế kỷ dù ở chốn cung đình hay trong đời sống dân gian của đất nước Myanmar. Cho đến nay, phụ nữ Myanmar đều yêu thích Thanakha, đây là nghệ thuật hóa trang truyền thống độc đáo. Loại kem này cũng thường được dùng cho những em bé sơ sinh để bảo vệ làn da non.
Thanakha và bàn mài được bày bán ở Myanmar. |
Đây không chỉ là nghệ thuật trang điểm đơn thuần mà còn là tinh hoa di sản của xứ sở “đền vàng, tháp trắng”. Để có được bột Thanakha, người ta mài vỏ cây trên đĩa đá mịn, bằng phẳng và đổ một vài giọt nước vào trước khi mài. Mài xong có thể lấy tay chấm bột nhão bôi lên cơ thể. Bột cây Thanakha còn được chế thành kem đóng sẵn trong hộp nhựa với nhãn hiệu bắt mắt để tiện cho việc trang điểm. Thanakha có thể được thoa không chỉ trên mặt mà còn trên cơ thể, cánh tay và chân. Với thời tiết nắng nóng quanh năm, người Myanmar lấy bột Thanakha làm kem chống nắng. Chất bột nhão Thanakha làm săn các lỗ chân lông, kiểm soát lượng dầu và ngăn ngừa các nếp nhăn do cháy nắng. Đó là lý do tại sao phụ nữ bôi nhiều lớp dày Thanakha lên khuôn mặt khi làm việc trên các cánh đồng.
Trẻ em được trang điểm bằng bột Thanakha. |
Thanakha là cây bản địa mang tinh thần “quốc hồn quốc túy” của đất nước Myanmar. Hình ảnh gây ấn tượng đối với du khách về xứ sở này có thể tìm thấy ở mọi nơi, từ thôn quê đến phố thị, đó là chiếc váy longyi truyền thống, môi đỏ vệt trầu và đặc biệt là gương mặt bôi Thanakha làm nên diện mạo thân quen và độc lạ của người dân.
Bài, ảnh: TẤN VỊNH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: