Cầu tre một thuở

08:46, 27/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, những chiếc cầu tre đã dần vắng bóng, thay vào đó là cầu bê tông cốt thép kiên cố. Dẫu vậy, hình ảnh những chiếc cầu tre lắt lẻo vẫn neo đậu trong ký ức của nhiều người...

Nói là cầu tre, nhưng thực ra ngoài nguyên liệu là tre, người ta có thể làm cầu bằng cây gỗ hoặc phối hợp các loại cây khác. Đơn cử như đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng thường làm cầu bằng dây mây, cây giang bắc qua suối. Các trụ tre hoặc cây gỗ làm giá đỡ được đóng bắc chéo hình chữ X, các dây mây được căng từ bờ nọ sang bờ kia, tựa vào ngay bên trên chỗ giao cắt hình chữ X làm lối chân bước, phần bên trên của chữ X, người ta lại căng các dây mây chạy dọc để làm chỗ vịn cho người đi qua.

Cầu tre bắc qua sông Trà Bồng ở xã Bình Dương (Bình Sơn) trước đây.   Ảnh: Cao Chư
Cầu tre bắc qua sông Trà Bồng ở xã Bình Dương (Bình Sơn) trước đây.   Ảnh: Cao Chư

Ngày nay, ở huyện Trà Bồng có Cầu Đỏ, là cầu bê tông cốt thép bắc qua sông Trà Bồng. Trước đây, khi chưa có cầu bê tông cốt thép vẫn có cầu bắc qua sông Trà Bồng ở đoạn thượng nguồn. Đồng bào Cor cho biết, ngày trước làm cầu bằng các loại cây, dây mọc trong rừng, làm theo cách như đã kể ở trên. Nhưng lấy đâu ra dây mây to và dài để tương ứng với độ rộng của lòng sông? Đó là trong rừng nguyên sinh thuở trước có loại mây to bằng bắp tay và rất dài, gọi là mây voi, đủ để kéo qua sông Trà Bồng mà không cần chắp nối. Mây là loài dây vừa cứng, vừa dẻo dai, bền chắc nên được dùng để làm cầu, nói mới thấy tiếc cho những cánh rừng nguyên sinh.

Ở miền xuôi, thời phong kiến có trục đường thiên lý Bắc Nam, trên tập họa đồ chữ Hán “Quảng Thuận đạo sử tập” của Nguyễn Huy Quýnh vẽ năm 1785, tính từ Bắc vào Nam có 4 chiếc cầu, đó là cầu Ô Sông, cầu Cháy (Bình Sơn), cầu Bàu Giang (Tư Nghĩa), cầu xã Thanh Hiếu (thuộc TX.Đức Phổ ngày nay). Các cầu được vẽ hình ba trụ cầu dựng đứng, đỡ mặt cầu, kiểu hình thang. Thế còn qua các sông lớn là sông Châu Ổ (Trà Bồng), sông Trà Khúc và sông Vệ, thì có Châu Ổ giang độ, Trà Khúc giang độ, Vệ giang độ (đò sông Châu Ổ, đò sông Trà Khúc, đò sông Vệ). Ở bến đò có ghe, thuyền chuyên chở khách sang sông. Tại sao trên các sông lớn này không có cầu mà phải dùng đò? Có lẽ bởi trình độ kỹ thuật, hoặc tốn quá nhiều công sức, không cho phép bắc cầu qua các sông lớn này. Mãi đến thời Pháp thuộc, đồng thời với Quốc lộ 1 được xây dựng trên nền đường thiên lý, các cầu bắc qua 3 con sông lớn này mới được xây dựng.

Đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng làm cầu tre bắc qua sông. Ảnh: Cao Chư
Đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng làm cầu tre bắc qua sông. Ảnh: Cao Chư

Thế nhưng, cũng chỉ các cầu trên trục lộ chính này, còn ở nhiều nơi, việc xây dựng cầu theo kiểu mới đều không thể thực hiện, chắc vì lý do quá tốn kém không thể kham nổi. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, việc xây cầu cùng còn hạn chế. Nhiều nơi vẫn “qua sông thì phải lụy đò”, như đò An Chỉ trên sông Vệ nối giữa hai xã Hành Thịnh, Hành Phước (Nghĩa Hành). Đò bình thường phải chờ đợi mất nhiều thời gian, khi lũ về sẽ không thể hoạt động, nên rất bất tiện. Ngày trước, ở xã Bình Dương (Bình Sơn), người dân làm cầu bằng tre, gỗ để kết nối với bên ngoài, nơi đây có các bến đò Mỹ Huệ, Đồng Min. Trên sông Kinh, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), có cầu nối thôn Mỹ Lại với thôn Cổ Lũy. Còn ở gần cửa biển Mỹ Á, người ta bắc cầu qua sông Trà Câu nối hai xã Phổ Minh và Phổ Quang. Các cây cầu này làm bằng tre, gỗ. Tháng Chạp dựng cầu, tháng Chín dỡ cầu để tránh lũ, lúc này phương tiện đi lại bằng đò ngang.

Ngày nay, những chiếc cầu tre đã dần vắng bóng, thay vào đó là cầu bê tông cốt thép kiên cố. Dẫu vậy, những chiếc cầu tre lắt lẻo vẫn neo đậu trong ký ức của nhiều người. Và, vẫn còn đó hình ảnh về những chiếc cầu tre cùng với câu ca: “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...”.

CAO CHƯ

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:46, 27/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.