Sơn Tây nỗ lực xây dựng nông thôn mới

16:38, 25/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện Sơn Tây xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; là giải pháp quan trọng và có tính chiến lược. Vì vậy, cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã luôn nỗ lực, quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu có xã đạt chuẩn NTM đầu tiên.

Nhiều khó khăn

Năm 2016, huyện Sơn Tây bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM với tỷ lệ hộ nghèo trên 70% và là một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước. Nhưng với quyết tâm và nỗ lực của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, cùng sự hỗ trợ của nhà nước, huyện Sơn Tây đã đạt được những kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng NTM. Đặc biệt là từ năm 2021 - 2023, từ nhiều nguồn vốn lồng ghép của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (gần 335,5 tỷ đồng), huyện Sơn Tây đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

Đến nay, huyện Sơn Tây có 2 xã Sơn Dung và Sơn Mùa đạt 10 tiêu chí; 7 xã còn lại đạt từ 5- 9 tiêu chí, không có xã dưới 5 tiêu chí, bình quân số tiêu chí/xã đạt gần 7,8 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5% so với đầu kỳ, từ 47,4% năm 2021 còn dưới 40% vào cuối năm 2023.

Huyện Sơn Tây từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Huyện Sơn Tây từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tuy đã nỗ lực nhưng kết quả xây dựng NTM của huyện Sơn Tây còn thấp, chưa đạt mục tiêu và kế hoạch đã đề ra. Ngay ở những xã điểm xây dựng NTM như Sơn Dung, Sơn Mùa nhưng số tiêu chí thấp hơn nhiều so với toàn tỉnh nói chung, khu vực miền núi nói riêng. Vậy nên đến thời điểm này, Sơn Tây là huyện duy nhất của tỉnh “trắng” xã NTM.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho biết, cơ sở hạ tầng nông thôn còn “nghèo”, nhất là mạng lưới giao thông và vùng sản xuất phân tán nhỏ lẻ nên chi phí đầu tư cao, nhu cầu vốn để triển khai thực hiện theo quy hoạch quá lớn so với tiềm năng và các nguồn lực của địa phương. Bên cạnh đó, tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 cao, trong khi điều kiện sản xuất khó khăn, thu nhập người dân còn thấp nên không thể huy động nguồn lực từ dân.

Quyết tâm thực hiện

Theo kế hoạch đến năm 2025, huyện Sơn Tây có 3 xã là Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Tinh được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân số tiêu chí/xã đạt 15,78 tiêu chí. Tuy nhiên kết quả thực hiện một số tiêu chí cốt lõi của NTM rất thấp, như thu nhập bình quân chỉ đạt trên 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 40%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị dinh dưỡng thể thấp còi trên 45,3%. Trong khi đó Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 quy định thu nhập tối thiểu là 48 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 13% và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 24%.

Hiện thực hóa mục tiêu trên, hệ thống chính trị huyện Sơn Tây nỗ lực và quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu và ý nghĩa của chương trình, nhằm khơi dậy sức dân và lòng dân. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với phát triển kinh tế. Qua đó thực hiện có hiệu quả 2 tiêu chí then chốt của NTM là giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, Phòng NN&PTNT huyện tập trung xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hiện, toàn huyện đã phát triển 80ha bưởi và hàng chục héc ta chuối mốc theo hướng liên kết chuỗi giá trị, trong đó bưởi da xanh đã được huyện công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, huyện khôi phục và phát triển cây trồng bản địa, đặc trưng vùng miền, nhất là cây cau với diện tích hơn 1.000ha, trong đó có hơn 530ha đã cho quả, sản lượng hơn 5.000 tấn/năm, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho biết, trên cơ sở kết quả dự án “Lập bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa và đề xuất phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung huyện Sơn Tây, giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045”, các xã tiến hành bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và Đề án xây dựng xã NTM đảm bảo phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Qua đó đầu tư phát triển sản xuất theo hướng liên kết vùng, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng NTM.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:38, 25/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.