(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Hà đã và đang tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Có 13/14 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia
Đến Trạm Y tế xã Sơn Thành (Sơn Hà) vào cuối giờ sáng, chị Đinh Thị Hồng (xã Sơn Thành) được bác sĩ của trạm thăm khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc BHYT. Chị Hồng chia sẻ, tôi bị cao huyết áp, lại bị viêm đại tràng co thắt và đau dạ dày nên tôi thường xuyên ra trạm y tế xã để theo dõi, kiểm tra sức khỏe. Lần nào đến khám, tôi đều được bác sĩ, nhân viên ở đây tận tình tư vấn, cấp thuốc.
Cán bộ Trạm Y tế xã Sơn Thành (Sơn Hà), khám bệnh cho người dân. |
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Thành Nguyễn Xuân Lâm cho biết, Trạm Y tế xã Sơn Thành là một trong những trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang nhất trong hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn huyện Sơn Hà. Vì vậy, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại trạm ngày càng đông. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 lượt người đến khám, chữa bệnh, nhận thuốc BHYT. Trạm có đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị y tế như máy siêu âm, máy điện tim, đèn hồng ngoại soi trẻ bị vàng da... Trạm có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và dược sĩ đảm bảo đạt chuẩn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Thời gian qua, Trạm Y tế xã Sơn Thành đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đối với từng chương trình mục tiêu y tế. Công tác tiêm chủng được trạm thực hiện hiệu quả, trẻ em được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo quy định; phụ nữ có thai được tư vấn sức khỏe phòng chống 5 tai biến sản khoa; đảm bảo trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi được uống Vitamin A.
Bên cạnh đó, Trạm Y tế xã phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh theo mùa như thủy đậu, tay chân miệng, quai bị, sốt xuất huyết... hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Do khoảng cách về địa lý và còn nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội, nên tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Sơn Hà, y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Hiện tại 13/14 trạm y tế trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia về y tế (trừ Trạm Y tế thị trấn Di Lăng), đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Đầu tư cho y tế cơ sở
Trong 5 năm qua, huyện Sơn Hà đã đầu tư trên 25 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp và làm mới 13/14 trạm y tế xã. Các trạm y tế được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đầy đủ các phòng chức năng và đầu tư trang thiết bị y tế theo tiêu chí của Bộ Y tế quy định. Về đội ngũ y, bác sĩ, các trạm y tế đều có 1 - 2 bác sĩ và đã được tập huấn chương trình “bác sĩ cho mọi nhà”, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Trưởng phòng Y tế huyện Sơn Hà Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hằng năm đội ngũ nhân viên y tế thôn, nhân viên y tế ở các trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện đều được tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao tay nghề. Nhờ thái độ phục vụ tận tình, coi người bệnh như người nhà nên đã thu hút lượng bệnh nhân đến với các trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện ngày càng tăng. Ngoài ra, huyện Sơn Hà cũng đang triển khai thực hiện dự án 7 về nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện giai đoạn 1 (2021 - 2025).
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Sơn Hà chưa có điều kiện tham gia BHYT. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần có nhiều chương trình miễn giảm, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh thông qua các hình thức như cấp thẻ BHYT, hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT, giúp người dân có điều kiện được khám, chữa bệnh ngày một tốt hơn.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: