(Báo Quảng Ngãi)- Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, những năm gần đây, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Minh Long ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn của huyện ngày một khởi sắc.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết
Thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội DTTS huyện lần thứ III- năm 2019 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong 5 năm (2019 - 2024), huyện Minh Long đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách vùng đồng bào DTTS. Các cấp ủy đảng đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng bào DTTS, cũng như nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Một góc trung tâm huyện Minh Long nhìn từ trên cao. Ảnh: TH.PHƯƠNG |
Điểm nổi bật là nhận thức của đồng bào DTTS được nâng lên, phong tục tập quán trong sinh hoạt được thay đổi. Nhiều hộ dân đã di dời chuồng trại chăn nuôi từ trước nhà ra sau nhà, mở rộng quy mô phát triển kinh tế, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sống. Công tác giáo dục, đào tạo, TD - TT cũng có bước phát triển đáng kể. Nhiều con em đồng bào DTTS đã tích cực tham gia thi tuyển vào các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Huyện có 2 vận động viên tham gia thi đấu thể thao ở đấu trường quốc tế và đạt giải cao. Công tác bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa đồng bào DTTS được chú trọng, người dân trên địa bàn tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng đi biểu diễn ở các nơi.
Một góc trung tâm huyện Minh Long. Ảnh: BS |
Ông Hà Viết Sỹ, ở thôn An Phương, xã Thanh An cho biết, để gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào Hrê, tôi đã tìm tòi, sưu tầm các loại nhạc cụ dân gian như: Chiêng 3, vinh vút, chiêng ka la và các làn điệu ca lêu - ca choi tiếng Hrê để làm "sống lại" giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê tại địa phương. Ông Sỹ còn tích cực tham gia biểu diễn văn hóa, văn nghệ vào các dịp lễ hội, ngày hội khu dân cư hằng năm và các hội nghị của xã, huyện tổ chức; hướng dẫn biên đạo các tiết mục cho các đội văn nghệ tại địa phương. Ngoài ra, ông cùng với Phòng VHTT huyện tham gia Hội thi đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2022; tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 tại huyện Sơn Hà...
Đòn bẩy từ các chính sách
Những năm qua, huyện Minh Long đã triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, trình độ sản xuất, canh tác của người dân được nâng lên rõ rệt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện miền núi. Một số địa phương xây dựng các mô hình thí điểm trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả và được nhân rộng.
Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Ảnh: BS |
Huyện cũng phân khai 14 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 11 mô hình giảm nghèo như: Nuôi bò cái lai sinh sản, nuôi trâu sinh sản, nuôi heo nội thương phẩm và mô hình trồng keo nuôi cấy mô để hỗ trợ 54 hộ nghèo. Đặc biệt, từ nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện đã đầu tư sửa chữa các công trình phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Hỗ trợ 10 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, với 181 hộ tham gia. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP.
"Huyện ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp cho con em đồng bào DTTS. Phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo hướng tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng cao. Chăm lo xây dựng và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc". Chủ tịch UBND huyện Minh Long |
Thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2022 đến nay, huyện đã phân khai kinh phí hơn 102 tỷ đồng thực hiện 10 dự án như: Xây mới và sửa chữa trên 44 công trình gồm: Đường giao thông nông thôn, kênh mương, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tập trung, trường học, khu dân cư, chợ... hệ thống đường giao thông từ huyện đến thôn được bê tông và xâm nhập nhựa đạt 100%. Qua đó góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS của huyện chiếm 20,1% thì đến cuối năm 2023 giảm còn 16,7%; gần 100% hộ dân được sử dụng điện và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Số tiêu chí NTM bình quân của các xã đạt 16,4 tiêu chí/xã. Trong đó, xã Long Sơn và Thanh An đã đạt xã NTM, xã Long Hiệp đạt 18/19 tiêu chí; phấn đấu đến cuối năm 2024 xã Long Hiệp về đích xã NTM.
Chị Đinh Thị Đăng, ở thôn Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai (Minh Long) đầu tư trồng tiêu, phát triển kinh tế. Ảnh: PHẠM THỊ THOANG |
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Thị Hà cho biết, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS nên bộ mặt nông thôn của xã ngày một khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và hiện đang tập trung thực hiện phong trào xây dựng NTM nâng cao. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 17,9% và dự kiến cuối năm 2024 sẽ giảm thêm 73 hộ nghèo.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết, huyện đề ra mục tiêu đến năm 2029 tập trung thực hiện có hiệu quả 100% chính sách cho đồng bào DTTS; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS 3%/năm. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ huyện đến xã. Xây dựng, củng cố toàn diện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn huyện.
BÁ SƠN