(Baoquangngai.vn)- Trong sáng 8/12, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên chất vấn. |
Liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, đại biểu Lương Kim Sơn đặt vấn đề, năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; và đã qua 5 lần điều chỉnh, bổ sung.
Đề nghị cho biết nguyên nhân phát sinh việc điều chỉnh quy hoạch và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc dự báo nhu cầu khoáng sản trong kỳ quy hoạch.
Đại biểu Lương Kim Sơn đặt câu hỏi chất vấn Sở TN&MT. |
Trả lời vấn đề này, Quyền Giám đốc sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho biết, trên cơ sở nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch phát triển vật VLXD tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, qua 5 lần điều chỉnh, hiện nay có tổng số 356 mỏ, gồm: 77 mỏ đá, 100 mỏ cát, 179 mỏ đất.
Nguyên nhân điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiều lần, do trong quá trình lập Quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường đã có tính toán, dự báo nhu cầu khoáng sản cho kỳ quy hoạch. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh về các khu dân cư, khu đô thị; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp,… trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây và nhất là dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai thi công xây dựng; dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi sắp khởi công có sử dụng lượng lớn về khoáng sản làm VLXD thông thường, nên có khả năng thiếu hụt nguồn cung trong thời gian đến.
Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch nói chung và quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường nói riêng là nội dung cần phải thực hiện thường xuyên để đáp ứng như cầu và phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh.
Các đồng chí chủ trì kỳ họp. |
Đại biểu Huỳnh Văn Tố đề nghị Sở TN&MT cho biết, thời gian qua việc xác định trữ lượng khoáng sản khai thác thực tế của các mỏ khoáng sản được cấp phép trên địa bàn tỉnh được thực hiện và quản lý kiểm soát như thế nào?
Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung trả lời, trước năm 2019, trên cơ sở Kế hoạch đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt, Sở TN&MT thuê đơn vị tư vấn có chức năng tổ chức thăm dò địa chất, đánh giá trữ lượng các mỏ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng, làm cơ sở để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản theo quy định.
Tuy nhiên, qua các đợt thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ TN&MT, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra việc sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư thăm dò khoáng sản (kinh phí thăm dò địa chất, đánh giá trữ lượng sẽ được đơn vị trúng đấu giá hoàn trả lại vào ngân sách nhà nước) là không đúng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung trả lời chất vấn. |
Do vậy, kể từ năm 2020 đến nay, Sở TN&MT tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ khoáng sản theo hình thức “đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản” quy định tại khoản a điểm 1 Điều 79 Luật Khoáng sản.
Hiện nay, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quy hoạch khoáng sản của tỉnh được bổ sung kịp thời, đúng luật định. Công tác tham mưu cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và công tác cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy hoạch, trình tự và thủ tục đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.
Các văn bản hướng dẫn thi hành và ngày càng chặt chẽ, khai thác gắn với địa chỉ sử dụng, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch, bảo tồn thiên nhiên, di sản địa chất và quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh phát triển ngành khai khoáng của tỉnh; góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hằng năm và việc thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản được tỉnh chú trọng.
Đặc biệt, đã kịp thời cung cấp nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các công trình, dự án và nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội của địa phương.
>> Xem Video: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền trao đổi về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến giá cát VLXD, đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, cử tri trong tỉnh bức xúc trước việc giá vật liệu cát xây dựng quá cao, ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính người dân, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách nhà nước. Đề nghị cho biết, nguyên nhân giá cát cao trong thời gian qua; giải pháp quản lý giá cát trong thời gian tới.
Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Mẫn cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 177 ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Giá 2012 thì “cát xây dựng” là mặt hàng không thuộc trường hợp phải kê khai giá. Tuy nhiên, trước tình hình khan hiếm cát xây dựng các tháng đầu năm 2023, để tránh việc đầu cơ, tăng giá cát bất hợp lý, làm ảnh hưởng đến thị trường, ngày 14/4/2023, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 187 về việc bổ sung danh mục hàng hóa là cát làm vật liệu xây dựng thuộc diện phải kê khai giá. Qua đó, các cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cát làm vật liệu xây dựng.
Qua thời gian thực hiện, đến tháng 9/2023, UBND tỉnh ban hành thông báo số 421 ngày 8/9/2023, bãi bỏ danh mục hàng hóa là cát làm VLXD thuộc diện phải kê khai và việc quản lý giá cát làm VLXD được thực hiện theo hình thức niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Mẫn trả lời chất vấn. |
Đối với việc công bố giá cát, thực hiện Quyết định số 1541 ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về việc ủy quyền công bố thông tin giá xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi tiếp nhận các văn bản đề nghị công bố giá cát của đơn vị, Sở Xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra rà soát và lựa chọn các sản phẩm công bố đảm bảo phù hợp với giá thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, khả năng và phạm vi cung ứng vật liệu, nhằm cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Liên quan đến công tác phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, đại biểu Trần Quang Thái nêu vấn đề, tại Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường có quy định: Trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường. Đề nghị cho biết, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như thế nào?
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh báo cáo công tác quản lý khoáng sản trện địa bàn. |
Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung trả lời, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thời gian qua Sở TN&MT đã thành lập hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM) đối với tất cả dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án khai thác khoáng sản theo quy định.
Theo đó, trong nội dung hồ sơ báo cáo ĐTM, Sở TN&MT yêu cầu chủ dự án khai thác khoáng sản tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác. Cụ thể, thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi trong quá trình khai thác và vận chuyển sản phẩm; thu gom xử lý các loại chất thải phát sinh và xử lý đảm bảo các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường; xây dựng các phương án ứng phó sự cố môi trường trong quá trình khai thác; sau khi kết thúc khai thác phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng nội dung hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; đồng thời tiến hành lập hồ sơ đề án đóng cửa mỏ theo quy định.
>> Xem Video: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân kết luận nội dung chất vấn công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đối với công tác phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản, hằng năm, Sở TN&MT trường ban hành Công văn gửi UBND các huyện, thị xã thành phố rà soát các mỏ khoáng sản trên địa bàn mình quản lý, yêu cầu thực hiện cải tạo phục hồi môi trường đối với các mỏ đã hết thời gian khai thác và gửi về Sở để theo dõi, giám sát; ban hành công văn gửi các tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh tiến hành thực hiện các nội dung.
Cụ thể, đối với các mỏ đang khai thác nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường thì tiến hành lập phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan chức năng để thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định. Khẩn trương thực hiện cải tạo phục hồi môi trường theo đúng hồ sơ môi trường đã được phê duyệt đồng thời tiến hành lập hồ sơ đề án đóng cửa mỏ trình cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định và phê duyệt đề án đóng cửa mỏ theo quy định đối với các mỏ hết thời gian khai thác theo giấy phép đã được cấp.
Đến nay, Sở TN&MT đã tiếp nhận 78 hồ sơ đề án đóng cửa mỏ của các tổ chức, cá nhân khai thác sau khi kết thúc khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ cho 54 tổ chức, cá nhân.
Thực hiện: N.ĐỨC – X.HIẾU – M.ỰC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: